Dân Việt

Huy động nguồn lực đầu tư vào Tây Bắc

Đoàn Lê 16/12/2013 09:47 GMT+7
“Cõng” trên lưng 25,6% tỷ lệ hộ nghèo, cao gấp 3 lần cả nước, Tây Bắc đang thực sự đứng trước bài toán khó là làm thế nào có thể thu hút đầu tư để giảm nghèo và phát triển.
Đó cũng là chủ đề được đặt ra bàn thảo trong Hội nghị "Cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và thu hút các dự án ODA, NGO vào vùng Tây Bắc" vừa được Ban Chỉ đạo Tây Bắc, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam phối hợp cùng tỉnh Phú Thọ tổ chức tại Phú Thọ ngày 14.12 vừa qua.

Còn nhiều khó khăn

Ngay trong lời khai mạc, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc – Trưởng ban Chỉ đạo Tây Bắc đã nhấn mạnh, Đảng và Nhà nước đã dành cho vùng Tây Bắc sự quan tâm sâu sắc với nhiều chính sách ưu tiên về phát triển kinh tế-xã hội, nhất là đầu tư cơ sở hạ tầng, xóa đói giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội.

Tuy nhiên, Tây Bắc hiện nay vẫn là vùng còn nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo còn cao là 25,6%, cao gấp 3 lần cả nước, số huyện nghèo chiếm 70%, số xã đặc biệt khó khăn chiếm 50% của cả nước. Chất lượng điều hành kinh tế địa phương cũng còn nhiều bất cập. Công tác quản lý nhà nước, quảng bá và thu hút đầu tư còn hạn chế, môi trường kinh doanh chưa thuận lợi.

Cải thiện môi trường đầu tư là một biện pháp hữu hiệu để thu hút đầu tư vào Tây Bắc.
Cải thiện môi trường đầu tư là một biện pháp hữu hiệu để thu hút đầu tư vào Tây Bắc.

Vì vậy, mong mỏi tại hội nghị này, Chính phủ và các địa phương trong khu vực muốn lắng nghe ý kiến của các bộ ngành, doanh nghiệp, các tổ chức trong và ngoài nước trong quá trình tìm hiểu môi trường đầu tư và kinh doanh với tinh thần thực sự cầu thị vì một vùng Tây Bắc ngày càng phát triển bền vững. Đồng thời mong muốn các tổ chức quốc tế, các nhà đầu tư trong và ngoài nước tiếp tục tìm hiểu, nghiên cứu sâu sắc tình hình kinh tế- xã hội để đầu tư, liên kết sản xuất, đưa vùng Tây Bắc phát triển tương xứng với tiềm năng, lợi thế và vị trí quan trọng của đất nước.

Cải thiện môi trường đầu tư


Từ năm 2008 đến 18.11.2013, tổng vốn ODA được ký kết trong khu vực đạt khoảng trên 2 tỷ USD. Cả vùng hiện có khoảng 15.000 doanh nghiệp đang hoạt động.

Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo Tây Bắc, khu vực Tây Bắc là vùng có diện tích đất lâm nghiệp lớn nhất cả nước với trên 8 triệu hécta, có vai trò đặc biệt quan trọng trong công tác phòng hộ, bảo vệ môi trường sinh thái và có điều kiện để phát triển lâm nghiệp hàng hóa.

Bên cạnh đó, với lợi thế về địa hình, khí hậu, vùng Tây Bắc có thể phát triển trang trại nuôi trồng thủy sản có giá trị kinh tế cao như: Cá hồi, cá tầm, cá tiểu bạc... Hiện vùng có trên 95.000ha mặt nước hồ và hệ thống sông, suối dày đặc đã tạo nên một tiềm năng về thủy điện lớn nhất nước. Tây Bắc cũng là vùng có nhiều loại khoáng sản, với trữ lượng lớn nhất cả nước phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội của các địa phương và cả nước; là vùng có nhiều điểm du lịch sinh thái, du lịch lịch sử nổi tiếng gắn với lễ hội, phong cảnh đẹp.

Để khai thác tiềm năng, thế mạnh và thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội vùng Tây Bắc bền chặt, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị các bộ, ngành, các tỉnh trong vùng cần chỉ rõ những hạn chế, bất cập và các nguyên nhân khách quan, chủ quan về thực trạng môi trường đầu tư kinh doanh của vùng, của từng địa phương… Trên cơ sở đó tìm ra các giải pháp khắc phục hữu hiệu để huy động mạnh mẽ các nguồn lực cho đầu tư phát triển vùng, trọng tâm là các dự án xây dựng kết cấu hạ tầng, hỗ trợ sản xuất, chuyển đổi cơ cấu vật nuôi, đào tạo lao động...