Trong đời sống văn hóa của cộng đồng Tày - Nùng có rất nhiều trò diễn dân gian mang yếu tố sân khấu, được xuất phát từ vốn dân gian phong phú có tự ngàn đời với các làn điệu sli, lượn, hát then, hà lều, nòng ới… điển hình của những trò diễn có tính sân khấu là Hội Lồng Tồng, bắt ma, trừ tà trong mo then.
Ở then, các trò diễn mang tính sân khấu khá cao và đó là một trong những cơ sở hình thành nên sân khấu dân tộc trong cộng đồng Tày - Nùng. Chúng ta có thể dễ dàng nhận thấy yếu tố sân khấu trong then Tày Đăm qua Thống đẳm, Pang khoăn, hay Cấp sắc, Cầu hoa…
Trong Thống đẳm, cuộc hành trình của quan quân Then đưa người chết về với tổ tiên (về Mường trời) theo quan niệm của người Tày Đăm phải đi qua 3 tầng trời được then và các Slay (học trò của then) diễn tả rất chi tiết và hấp dẫn. Với những động tác mô phỏng mang tính sân khấu cao như: Phất cờ về phía sau lên ngựa/phất cờ về phía trước xuất quân. Cùng với Thống đẳm còn có các nghi lễ khác cũng mang nhiều yếu tố của sân khấu như lễ Cầu an vào tháng 7 - 9 âm lịch...
Một buổi thực hiện nghi lễ lẩu then ở ngõ 8, đường Phai Vệ, TP Lạng Sơn
Cộng đồng Tày - Nùng ở phía Bắc có khá nhiều hình thức diễn xướng dân gian, tính trình diễn sân khấu rõ nét trong lề lối hát nghi lễ, hội. Đặc biệt là Mộc thầu hí (hát Giá hai) ở Cao Bằng. Đây là loại hình sân khấu cổ điển của Trung Quốc (người Choang) thuộc loại kịch thần thoại. Khi vào Cao Bằng đã được Tày - Nùng hóa về nội dung, tư tưởng, thẩm mỹ gần gũi với đời sống tinh thần của cư dân bản địa.
Giá hai là một dạng ca kịch, với 3 nhạc công, một trống, một sáo, một nhị. Diễn viên một hoặc nhiều người tùy thuộc vào vở diễn. Trên cơ sở các trò diễn dân gian mang yếu tố sân khấu, các nhà viết kịch đã khai thác tương đối hiệu quả, nổi lên một số tác giả như: Nông Đình Tuấn, Nông Ích Đạt, Dương Coỏng... với nhiều tác phẩm tiêu biểu được đồng bào dân tộc hào hứng đón nhận.
Lịch sử phát triển sân khấu bắt nguồn từ những hình thức diễn xướng có yếu tố sân khấu như opera hình thành từ Oratorio (thanh xướng cổ Hy Lạp), sân khấu cải lương từ ca nhạc tài tử Nam Bộ hay sân khấu dù kê của đồng bào Khmer hình thành từ kịch múa cổ điển Rô - băm và sân khấu dân tộc của đồng bào Tày - Nùng cũng được hình thành trên cơ sở đó.
Tuy chưa được lớn như các sân khấu chuyên nghiệp khác, nhưng rõ ràng sân khấu dân tộc của người Tày – Nùng đã khẳng định được quá trình phát triển từ diễn xướng dân gian đến sân khấu dân tộc mang tính truyền thống và hiện đại.