Cản ngại là cơ sở hạ tầng (đặc biệt về giao thông) yếu kém; chất lượng nguồn nhân lực, năng suất lao động còn khá thấp; môi trường đầu tư chưa hấp dẫn...
TS Võ Hùng Dũng - Giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) - Chi nhánh Cần Thơ cho biết như vậy tại Hội thảo “Vì sao thu hút FDI vào ĐBSCL còn hạn chế”, tổ chức tại TP.Cần Thơ ngày 13.8.
Ông Dũng cũng cho biết về tình hình thu hút FDI các năm qua của các tỉnh vùng ĐBSCL: Năm 1988 - 2010 là 9,8 tỷ USD (bằng 4,6% tổng FDI cả nước). Năm 2011 - 2012 là 1,6 tỷ USD (chiếm 7,5% cả nước).
Đồng tình với quan điểm của TS Võ Hùng Dũng, nhiều đại biểu cũng cho rằng các tỉnh ĐBSCL?không thu hút được nhiều FDI bên cạnh nguyên nhân chính là lực lượng lao động trình độ còn thấp, môi trường đầu tư thiếu hấp dẫn thì cơ sở hạ tầng là một trong những “rào cản” lớn nhất khiến các nhà đầu tư nước ngoài e ngại. Cơ sở hạ tầng chung của vùng ĐBSCL, trong đó có TP.Cần Thơ còn thấp. Mặc dù cầu và sân bay Cần Thơ đã đưa vào sử dụng nhưng năm 2012 cũng là lúc mà nền kinh tế đã rơi vào suy thoái... Bên cạnh đó, một khó khăn nữa là vùng ĐBSCL xa cách các trung tâm kinh tế lớn như Hà Nội và TP.HCM, xa các cảng biển lớn...
TS Trần Sinh - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu kinh tế Miền Nam cho rằng cần phải tái cấu trúc ĐBSCL tạo sự đột phá và tạo ra sự phát triển bền vững. Tái cấu trúc theo lợi thế của từng tiểu vùng và từng địa phương trong vùng để tạo ra sản phẩm riêng có trong một mối quan hệ thống nhất vùng và phù hợp với điều kiện, tiềm năng sinh thái đặc thù của ĐBSCL là sinh thái nông nghiệp.
“Mặt khác cần tạo sự đột phá về tái cấu trúc theo ngành thế mạnh gồm lương thực, thủy sản; tái cấu trúc hệ thống kết cấu hạ tầng, chú trọng đến giao thông vận tải, đặc biệt vận tải thủy trong đó có cảng nước sâu; phát triển các ngành dịch vụ và công nghiệp phải phục vụ sản xuất nông nghiệp, thủy sản với công nghệ phù hợp để nâng cao giá trị sản phẩm tham gia thị trường thế giới; tái cấu trúc thị trường lao động, chú trọng tạo việc làm và đào tạo nguồn nhân lực tại chỗ...” - TS Trần Sinh đưa ra giải pháp.