Chuẩn bị tiến trình tái thống nhất
Tổng thống Lee Myung-bak (ngoài cùng, bên phải) tại cuộc họp với Bộ Thống nhất Hàn Quốc. |
Trong báo cáo trình Tổng thống ngày 29-12 trước thềm năm mới, Bộ Thống nhất Hàn Quốc đề xuất thực hiện chính sách đối thoại để đạt được ba mục tiêu với Triều Tiên trong năm 2011, gồm: Thay đổi thái độ của miền Bắc, thiết lập các quan hệ vững chắc với miền Bắc và chuẩn bị cho tiến trình tái thống nhất. Seoul cũng sẽ thúc đẩy Bình Nhưỡng trở lại bàn đàm phán về thỏa thuận tổng thể giải trừ hạt nhân đổi lấy viện trợ, trong khi sẽ xem xét viện trợ nhân đạo cho miền Bắc.
Tuy nhiên, báo “Bưu điện Washington” của Mỹ đăng bài viết cho biết, chính quyền của Tổng thống Mỹ Barack Obama bày tỏ lo ngại về thái độ cứng rắn của Seoul hiện giờ với Bình Nhưỡng.
Tờ báo dẫn lời Tướng Mỹ James Cartwright - Phó Chủ tịch Hội đồng Tham mưu liên quân Mỹ, cho rằng các cuộc tập trận của Hàn Quốc có thể gây ra một “phản ứng dây chuyền” mà những lực lượng Mỹ và Hàn Quốc có thể “mất kiểm soát trong tình trạng căng thẳng leo thang”.
Cũng trong ngày 29-12, Tân Hoa xã cho biết, Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung-bak đã kêu gọi đối thoại với Triều Tiên. Đây là động thái được đánh giá là giảm nhẹ lập trường cứng rắn của ông đối với miền Bắc.
Phát biểu trong một cuộc họp với Bộ Thống nhất Hàn Quốc tại Phủ Tổng thống, ông Lee tuyên bố: "Chúng ta cần cố gắng để đạt hòa bình thông qua đối thoại liên Triều, song song với việc củng cố quốc phòng". Tổng thống Lee cũng đề nghị Bộ Thống nhất nỗ lực giúp thay đổi quan điểm tiêu cực trong dân chúng về khả năng thống nhất bán đảo Triều Tiên.
Nga-Trung Quốc không cho phép chiến tranh
Trong cuộc họp với Bộ Ngoại giao Hàn Quốc, Tổng thống Lee nhấn mạnh: "Chỉ có thể giải quyết vấn đề chấm dứt chương trình hạt nhân của Triều Tiên vào năm 2011 thông qua đàm phán 6 bên". Phát biểu trên được xem là thể hiện quan điểm linh động hơn của Tổng thống Lee về việc nối lại bàn đàm phán cam go và phức tạp này.
Năm 2011, Hàn Quốc sẽ tìm kiếm đối thoại với Triều Tiên nhằm giải quyết những vấn đề mấu chốt, trong đó có vấn đề hạt nhân, cũng như các quan hệ chính trị, nhân đạo liên Triều, đồng thời duy trì các biện pháp nhằm đối phó với những hành động gây hấn từ miền Bắc. Hiện Bình Nhưỡng chưa đưa ra bất cứ bình luận nào về những động thái ngoại giao tích cực đang diễn ra tại Seoul.
Trước đó, Trợ lý Ngoại trưởng Trung Quốc Trình Quốc Bình trong chuyến thăm Nga ngày 28-12 đã có cuộc hội đàm với Thứ trưởng Ngoại giao Nga A.Borodavkin tại Thủ đô Matxcơva, nhất trí hối thúc Triều Tiên và Hàn Quốc nỗ lực giảm căng thẳng và sớm nối lại các cuộc đối thoại trực tiếp.
Trong tuyên bố chung sau hội đàm, hai bên cho rằng căng thẳng leo thang trên bán đảo Triều Tiên có thể dẫn tới chiến tranh, gây tổn hại lợi ích của các bên liên quan, trong đó Hàn Quốc và Triều Tiên sẽ phải gánh chịu nhiều tổn thất nhất. Vì vậy, Trung Quốc và Nga sẽ không bao giờ cho phép xảy ra bất kỳ cuộc chiến nào trên bán đảo này cũng như căng thẳng kéo dài.
Gia Khánh