Hiệu ứng không lớn?Lý giải với báo chí về việc tăng giá xăng dầu lần này, Cục Phó Quản lý giá (Bộ Tài chính) - bà Nguyễn Thị Thúy Nga cho biết, việc tăng giá xăng dầu lần này không quá lớn để gây hiệu ứng tăng giá mạnh các hàng hóa thiết yếu.
Tuy nhiên, với DN và người nông dân thì việc tăng giá xăng dầu dịp cận tết này không khác gì cú “nốc ao” với họ. Ông Đặng Ngọc Hoà-Tổng Giám đốc Tập đoàn Daso cho biết, với hàng xuất khẩu, nhiều mặt hàng buộc phải cạnh tranh từng đồng thì việc tăng giá xăng dầu dù chỉ vài trăm đồng cũng là chuyện lớn đối với DN.
Gánh nặng chi phí đang đổ thêm lên ngư dân (ảnh minh họa).
Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh tính toán: Đối với nông sản và một số mặt hàng dịch vụ khác, hiệu ứng của việc tăng chi phí do giá xăng dầu tăng thường gấp 1,5 lần mức tăng của giá xăng dầu. Do vậy, khi xăng tăng giá thì chi phí giá thành sản xuất nông sản sẽ tăng mạnh hơn mức tăng của giá xăng, chưa kể các chi phí đẩy khác cũng bị ảnh hưởng. Trong khi đó, mức tăng giá bán của nông sản không bao giờ tỷ lệ thuận với mức tăng chi phí mà thường thấp hơn nhiều.
Ông Nguyễn Hữu Dũng-Phó Chủ tịch Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho rằng, giá xăng dầu tăng thời điểm cuối năm này sẽ khiến nhà nông “lãnh đủ”, nhất là những người đánh bắt và nuôi trồng thủy sản. Theo ông Dũng, một tàu cá công suất 20CV đi ra biển một ngày tiêu tốn khoảng 24 lít dầu, với giá xăng dầu tăng, cộng thêm các khoản chi phí khác thì ngư dân ra khơi thu nhập chẳng còn ăn thua.
Anh Nguyễn Bắc Hà- Giám đốc Nhà máy Bột cá Thụy Hải (Thái Bình) cho hay, DN của anh đầu tư dây chuyền chế biến bột cá công suất 70.000 tấn cá tươi/năm, mặc dù rải tàu đi thu mua cá khắp từ Đà Nẵng về Thái Bình nhưng cũng không đủ nguyên liệu phục vụ cho chế biến. Với giá xăng dầu ở mức cao như hiện nay và tiếp tục tăng không chỉ DN gặp khó khăn mà ngư dân đánh bắt, khai thác cá cũng có nguy cơ thua lỗ. Trong khi người đi biển hiện khó có thể đổi sang nghề khác để kiếm sống.
Xã Thụy Hải (Thái Bình) có 36 tàu khai thác gần bờ có công suất từ 20-24CV. Trước đây nếu thời tiết thuận, bình quân mỗi tháng ngư dân có từ 18-20 ngày ra biển. Sau 1 ngày đánh bắt trở về, bình quân 1 lao động thu nhập từ 200.000-300.000 đồng, có khi trúng hải sản thì thu cả triệu đồng. Nhưng giờ giá xăng dầu tăng cao, mỗi lần ra khơi nhiều chủ tàu chỉ mong bù đủ tiền dầu.
Cần có chính sách hỗ trợ
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan kiến nghị, Nhà nước cần tính toán đến những tác động của việc tăng giá xăng dầu vào từng lĩnh vực cụ thể để có những hỗ trợ cho những ngành, lĩnh vực cần thiết. Với nông nghiệp, cụ thể Nhà nước cần có các chính sách ưu đãi như hỗ trợ cho vận tải, phân bón, đi biển… để khu vực này bớt áp lực do tăng giá xăng dầu.
|
Năm 2013 là năm đặc biệt khó khăn, hầu hết các DN thuộc mọi lĩnh vực phải điều chỉnh chỉ tiêu kinh doanh cho phù hợp với diễn biến của thị trường. Do vậy, xăng dầu tăng giá sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất của DN. Bởi giá bán không thể tăng được, sức mua quá yếu, các DN đang cần các giải pháp để giảm bớt khó khăn khi chi phí đầu vào cứ tăng.
Bà Nguyễn Ánh Hồng - Giám đốc hệ thống siêu thị Maximark nói: “Xăng dầu tăng giá trong thời điểm này sẽ đẩy thêm khó khăn cho DN do sức mua thấp lại không thể không tăng giá sản phẩm của mình”.
Ông Nguyễn Văn Tuyên - Giám đốc Công ty TNHH Biển Đông (chế biến hải sản) cho rằng, Chính phủ cần đẩy mạnh và tăng mức hỗ trợ ngư dân về xăng dầu để giảm bớt khó khăn. Ngư dân có điều kiện ra khơi đánh bắt thì các DN mới có sản phẩm cho chế biến xuất khẩu. “Chắc chắn giá thành sản phẩm thủy sản sẽ tăng lên sau đợt tăng giá xăng này nhưng chúng tôi không thể tăng giá bán trong tình hình xuất khẩu thủy sản đang phải đối mặt nhiều khó khăn”- ông Tuyên cho biết.