Mùa vú sữa Lò Rèn thường kéo dài từ tháng 9 năm trước đến tháng 4 âm lịch năm sau. Khoảng tháng 11 âm lịch, vú sữa vào mùa chín rộ nên đây thường là thời điểm giá bán thấp nhất trong năm, nhưng hiện nay vú sữa Lò Rèn lại được thu mua với giá cao hơn so với năm ngoái. Ông Trần Văn Sinh ở xã Vĩnh Kim, huyện Châu Thành cho biết: Hiện vú sữa loại 1 (da bóng, màu sắc đẹp, trọng lượng trên 250 gram/trái) được thương lái đến tận vườn thu mua với giá 40.000 - 45.000 đồng/kg; loại 2, loại 3 cũng đạt mức 22.000 - 30.000 đồng/kg.
Vú sữa bày bán ở chợ Vĩnh Kim.
“Năm nay, vườn vú sữa hơn 4.000m2 của tôi cho trái sớm nên đầu mùa, có lúc bán với giá 60.000 - 80.000 đồng/kg, coi như trúng mánh lớn. Về sau giá vú sữa dao động trong khoảng 20.000 - 45.000 đồng/kg tùy loại, cao hơn 4.000 - 5.000 đồng/kg với cùng kỳ năm ngoái. Với gần 5 tấn vú sữa đã thu hoạch, sau khi trừ chi phí gia đình thu lợi nhuận gần 100 triệu đồng” – ông Sinh cho biết.
Bà Lê Thị Hoa - thương lái thu mua vú sữa ở chợ trái cây Vĩnh Kim cho biết, giá vú sữa năm nay cao hơn năm ngoái là do chất lượng trái ngon, thị trường trong và ngoài nước tiêu thụ mạnh. Ông Nguyễn Văn Ngàn - Chủ nhiệm HTX Vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim cũng cho biết thêm: Những năm gần đây, vú sữa Lò Rèn thường giữ giá ở mức cao, ngay cả lúc thu hoạch rộ cũng đạt 20.000 - 50.000 đồng/kg, trong khi chi phí chăm sóc thấp hơn một số cây ăn trái khác nên nhà vườn có thể thu lợi nhuận tới 250 - 300 triệu đồng/ha.
Việt Nam hiện là nước duy nhất trên thế giới xuất khẩu trái vú sữa. Một số quốc gia khác như Campuchia, Philippines, Ấn Độ, Thái Lan… cũng trồng vú sữa nhưng chỉ tiêu thụ nội địa.
|
Hiện HTX Vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim có 55/174ha vú sữa đạt chứng nhận GlobalGAP, năng suất bình quân 400 tấn/năm. HTX đang xin kinh phí để tái chứng nhận GlobalGAP năm thứ 3 và tiến tới tự túc kinh phí tái chứng nhận trong những năm tới. “Trồng vú sữa GlobalGAP không tốn nhiều chi phí mà chỉ mất công cắt tỉa cành, thăm vườn, trong khi đó nhà vườn còn tiết kiệm được tiền phân bón, thuốc trừ sâu..., tính ra lợi nhuận còn cao hơn 10% so với kiểu trồng truyền thống”, ông Ngàn cho hay.
Ông Huỳnh Hữu Hòa - Phó Trưởng phòng NNPTNT huyện Châu Thành cho biết, ngành nông nghiệp huyện đã và đang triển khai trồng 40ha vú sữa Lò Rèn theo quy trình VietGAP tại xã Phú Phong. Theo kế hoạch đến năm 2015, diện tích vú sữa toàn huyện sẽ đạt 5.000ha, trong đó có 250ha sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP.