Dân Việt

Tục chọn ngày mở hàng đầu năm và chuyện "thầy bói phán"!

Xuân Thắng 01/02/2014 12:40 GMT+7
Về phong tục ngày Tết (như các bài trước đã trích đăng và giới thiệu trên chuyên mục Quê nhà của Báo Dân Việt), trong quan niệm của người Việt còn có lệ chọn ngày để mở hàng đầu năm mới.
Mỗi khi Tết đến, Xuân về, dù phải tất bật lo sắm sanh, vui Tết, nhưng những người làm nghề buôn bán vẫn có tâm lý chung là chọn ngày “mở hàng đầu năm” với ước nguyện mong cho công việc, làm ăn, buôn bán kinh doanh của năm sau thuận lợi, suôn sẻ, sinh lời, vận hội hanh thông bằng hoặc hơn năm cũ.
Nghe
Nghe "Thầy bói phán" (Ảnh minh họa - Nguồn BĐVN)

Dân gian vẫn có câu “vạn sự khởi đầu nan”, hay “đầu xuôi, đuôi lọt”, cũng là để nói về tục lệ chọn ngày lành, tháng tốt để khởi sự một việc nào đó quan trọng. Dù đó chỉ là ý niệm, nhưng sự mong ước vẫn là hiện thực, có ý nghĩa hết sức quan trọng trong đời sống thường nhật của người Việt. Bên cạnh đó còn có hàm ý nhắc nhở mọi người trước khi định khởi sự một công việc nào đó, phải có sự chuẩn bị chu đáo, kỹ lưỡng; hoặc đừng chần chừ, ngần ngại, quyết tâm làm là được.

Từ thời xã hội phong kiến trong sử sách ghi lại, dân ta cũng đã có tục lệ này. Như: làm quan có ngày khai ấn, kẻ sĩ có ngày khai bút, nhà nông có ngày khai cày, làm thợ có ngày khai công, buôn bán có ngày mở hàng...

Hẳn với người làm nghề buôn bán, ngoài yếu tố cung cầu, không ai là không gặp những trường hợp, như mua rẻ, bán đắt. Hay như “tranh mua tranh bán”; “Trăm người bán, vạn người mua”... Rồi khi “vừa bán, vèo một tý đã hết hàng”, nhưng cũng có khi ngồi cả ngày mà chẳng ai thèm hỏi. Tất cả, xưa nay người ta quan niệm cho đó là sự may rủi, hên xui. Vì thế mới sinh ra chuyện “chọn ngày”.
(Ảnh minh họa - Nguồn: GĐ&XH)
Bán mở hàng đầu năm (Ảnh minh họa - Nguồn: GĐ&XH)

Trong đời sống hiện thực xã hội, không tránh khỏi yếu tố “bị tâm lý”. Con người luôn mong muốn có sự vươn lên, an lành, suôn sẻ trong mọi việc, nhưng “vận may, rủi” không phải lúc nào muốn là được, nên dần dần tâm lý trở thành thói quen, nếp nghĩ, quan niệm sống mà hình thành, còn thực hư, tốt xấu thế nào chắc ít ai thấu rõ.

Đối tác để những người muốn chọn ngày tìm đến là... các “thầy”. Nhưng mỗi “thầy phán” một kiểu, ấy vậy mà nhiều người vẫn lui tới, hỏi han đầu năm để chọn được ngày buôn bán, mở hàng.

Như trường hợp của vợ anh bạn tôi làm nghề buôn mắm, muối. Đến chơi Tết, thấy chị than thở, tôi hỏi: “đêm giao thừa có mang muối đi bán mở hàng không?”. Chị cười bảo, “thầy phán” giờ Tý, ngày Nhâm Dần, thiên khắc địa xung với bản mệnh, tiếc của giời nhưng em vẫn đành ngồi nhà cho... lành.

Lại nữa, anh bạn tôi bảo, cả năm vất vả, mùng 6 Tết định đưa cả nhà đi đó đây, thăm thú. Đùng một cái vợ yêu cầu không thể được, cả nhà chuẩn bị bán mở hàng lấy may, vì “thầy” bảo Đinh Mùi là ngày can sinh chi, nạp âm mệnh thủy, ngũ hành luôn chuyển, sinh nhập, rất hợp với vợ tôi nên trở thành ngày đẹp nhất của đầu năm Giáp Ngọ. Thế là ý định đi du Xuân đành chưng hửng.

Nực cười quá, tôi chỉ biết an ủi, động viên anh bạn rồi chúc Tết, ra về.

Ấy chỉ là một chuyện vui trong muôn vàn chuyện xem ngày mà xưa nay dân gian vẫn nhắc tới, trở thành một tục lệ của ngày Tết.