Bài 1: Cơ hội cho các doanh nghiệp Việt NamLà một nước thuộc khối Asean, Myanmar hiện có dân số khoảng 60 triệu người. Đây là quốc gia có nhiều dân tộc theo đạo Phật, có chiều sâu văn hóa lâu đời nên người dân Myanmar trung thực, khiêm tốn, điềm đạm và kiên nhẫn trong cuộc sống. Myanmar cũng được xem là một thị trường có qui mô khá lớn, sản xuất trong nước hiện chỉ mới chỉ đáp ứng được 20% nhu cầu tiêu dùng. Do vậy, Myanmar phải nhập khẩu rất nhiều mặt hàng, đặc biệt là các mặt hàng tiêu dùng, phục vụ cho cuộc sống như thuốc chữa bệnh, trang thiết bị y tế...
Những năm gần đây, Myanmar thực hiện mạnh mẽ các đợt cải cách mở cửa nhằm thu hút đầu tư nước ngoài. Chính phủ Myanmar đã và đang có những chính sách thông thoáng, mở cửa nhằm thu hút các nhà đầu tư, tạo lực hút cho các dự án phát triển kinh tế trong nước (miễn thuế 8 năm cho các nhà đầu tư nước ngoài). Những chính sách này đã và đang giúp cho đất nước Myanmar bắt đầu chuyển mình sang một giai đoạn mới…
Ông Myo Aung Kyaw - Tổng Thư ký Hiệp hội Lúa gạo Myanmar trao tặng bức tranh kỷ niệm Myanmar cho ông Lê Quốc Phong - Tổng Giám đốc Bình Điền tại buổi lễ ra mắt thương hiệu phân bón Đầu Trâu của Bình Điền tại Myanmar ngày 5.11 vừa qua.
Trước những chính sách mở cửa đầy hấp dẫn của Myanmar, là một nước bạn cùng khối Asean, Việt Nam đang rất kỳ vọng vào sự phát triển mạnh mẽ trong hợp tác đầu tư giữa 2 nước. Với mục tiêu tăng đầu tư trực tiếp vào Myanmar từ 500 triệu USD lên 2 tỉ USD và nâng kim ngạch thương mại 2 chiều từ 167 triệu USD từ năm 2011 lên 500 triệu USD vào năm 2015, các doanh nghiệp Việt Nam đang hướng tới thị trường Myanmar với những dự án đầu tư thiết thực và hiệu quả.
Theo các chuyên gia kinh tế, Myanmar là một thị trường tiềm năng, nhưng chưa được khai thác đầu tư. Có tới 70% lao động trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp nhưng trình độ sản xuất, canh tác của Myanmar chưa cao. Vì vậy, các doanh nghiệp Việt Nam có thể đầu tư vào những ngành có thế mạnh tiềm năng, có sức cạnh tranh tốt bằng chất lượng và uy tín để khẳng định vị thế của mình trên thị trường vừa mới chuyển mình này. Việt Nam cũng có thể đầu tư phát triển mạng ngành trồng lúa, đậu và trồng rừng ở Myanmar. Với lợi thế về nông nghiệp, các doanh nghiệp VN hoàn toàn có cơ hội tiến sâu vào Myanmar là một nước mà ngành nông nghiệp được xem là trụ cột của nền kinh tế.
Các chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, các doanh nghiệp VN nên tập trung vào các lĩnh vực mang tính chất tiềm năng, đó là nông nghiệp, chế biến lương thực, thực phẩm và gia công đồ gỗ. Ngành chế biến lương thực thực phẩm hiện nay tại Myanmar đang còn yếu, kém phát triển. Vì vậy, họ đang rất cần Việt Nam hỗ trợ, giúp đỡ, do Việt Nam và Myanmar có những tương đồng về kinh tế nông nghiệp, đặc biệt là lúa gạo.
Trao đổi với phóng viên báo NTNN, ông Myo Aung Kyaw, Tổng Thư ký Hiệp hội Lúa gạo Myanmar cho biết: “Quyết tâm của chính phủ trong thời gian tới phải đưa Myanmar trở lại tốp đầu những nước xuất khẩu gạo trên thế giới”. Cũng theo ông Aung Kyaw Myo, mỗi năm Myanmar cần cả chục triệu tấn phân bón, trong khi năng lực sản xuất trong nước rất yếu, chỉ đạt khoảng 400 ngàn tấn/năm và đây cũng chính là sức hút mạnh mẽ đối với các doanh nghiệp phân bón VN.
Đề cập đến việc đầu tư vào thị trường Myanmar, ông Lê Quốc Phong – Tổng Giám đốc Công ty Phân bón Bình Điền - một trong những doanh nghiệp VN tiên phong đầu tư vào thị trường Myanmar cho biết: “Chúng tôi đến với nông dân và nền nông nghiệp Myanmar với chiến lược lâu dài, chứ không kinh doanh theo kiểu chộp giựt, vì vậy phải xây cho được lòng tin tưởng tuyệt đối giữa công ty với các nhà phân phối, và nhất là với bà con nông dân nước bạn. Những việc đã làm của Bình Điền tại đây trong hơn một năm rưỡi qua là nằm trong chiến lược phát triển, cũng như quan điểm tình cảm nhất quán trước sau như một của Bình Điền với một đất nước có nền nông nghiệp rộng lớn và người dân hiền hậu, dễ gần này…”.