Chợ họp nhoáng nhoàng là đã tan. Người bán, kẻ mua đều tranh thủ. Với trẻ quê chúng tôi, chợ làng là một thế giới hấp dẫn.
Vài mớ tép gạo tươi trong bụng đầy trứng vừa cất vó về, đựng trong cái rấng tre xinh xắn đậy lá chuối bên trên. Mớ cá đồng thập cẩm gồm thòng đong, cá mương, cá diếc, rô don, mại...đựng trong rổ. Sang thì có mớ tôm rảo đồng nhảy lao xao. Rau muống đỏ, rau cải, rau cần nhiều nhất.
Có người chỉ bán vài mớ rau răm. Trẻ con thỉnh thoảng được mẹ cho đi chợ thì hớn hở ra mặt bởi thế nào cũng được ăn quà. Những chiếc kẹo ớt xanh, đỏ sặc sỡ còn dính những hạt đường kính to là thứ hấp dẫn chúng tôi nhất. Rồi phòng phành làm bằng bột nếp đủ hình thù các con vật ngộ nghĩnh với nhiều màu sắc rất đẹp.
Mộc mạc chợ quê
Phong phú nhất là những thứ quả quê dân dã người ta bòn mót trong vườn đem bán lấy tiền mua rau mắm. Quả vối chín sậm, đựng trong chiếc rổ nhỏ cùng chiếc chén "mắt trâu”. Ngon nhất là quả sắn, rồi quả mây gai chín vàng, ngon không kém. Khi cái rét tháng 9 bắt đầu, cây niễng mọc hoang hay được trồng góc ao, ngoài đầm nước bắt đầu khô lại, thân dưới phình to lên thành củ. Người ta bóc những chiếc lá niễng khô xác, lấy củ đem bán. Chợ làng cũng có hàng ăn.
Ở góc đường, hàng bán bún rốc đông khách nhất. Bún đựng trong bát chiết yêu, gạch vàng ươm rưới trên mặt bún trắng tinh. Bát bún bốc khói nghi ngút ăn với rau muống sống thái móng lợn là thứ hàng xa xỉ ngày ấy.
Trời rét căm căm, đang đói ngấu, tráng miệng cũng được vài bát. Đông khách nhất là hàng bánh đúc. Bánh đổ thành khuôn trên mẹt lót chiếc vỉ cói. Tùy tiền mà cắt miếng to nhỏ. Khi nhà có khách hoặc con cháu đi xa về, chợ làng thật quan trọng. Đôi khi chưa có tiền, mua chịu mớ tôm, con cá, vài lạng thịt cũng được. Thật ấm cúng khi nghe âm thanh của sự bán mua, cả tiếng chào nhau vồn vã của người xóm trên làng dưới.
Bây giờ chợ quê quy mô, hàng hóa không kém chợ phố. Vì thế, cái chợ tự phát làng tôi không còn nữa. Mỗi khi về làng, đi qua nơi từng họp chợ, tôi lại nhớ đến ngẩn ngơ!