Dân Việt

Tranh cãi tiêu chí, hỗ trợ người nghèo

31/12/2010 06:00 GMT+7
(Dân Việt) - Câu chuyện về người nghèo vẫn còn nhiều vấn đề tranh cãi, trong đó có những vấn đề về tiêu chí, cách hỗ trợ.

Tiêu chí nghèo khác nhau

Ngày 15-12, UBND TP.Hà Nội đã phối hợp với Chương trình phát triển Liên Hợp Quốc tổ chức lễ công bố kết quả nghiên cứu khảo sát nghèo đô thị tại Hà Nội và TP.HCM. Theo đó, 2 thành phố này áp chuẩn nghèo cao hơn chuẩn nghèo chung do Chính phủ ban hành.

img
Tặng quà đồng bào nghèo ở Quảng Nam

Về “chuẩn nghèo riêng” này, ông Lê Thành Tâm - Giám đốc Sở LĐ-TB&XH TP.HCM cho biết: “Hiện tại TP.HCM đang áp dụng mức nghèo là dưới 12 triệu đồng/người/năm (1 triệu đồng/người/tháng, trong khi chuẩn chung là 500.000 đồng/người/tháng), không phân biệt nội hay ngoại thành. Thực tế ở TP.HCM, nếu hạ chuẩn nghèo xuống, nhiều người dân sẽ bị thiệt vì không được hưởng các chế độ phúc lợi xã hội dành cho hộ nghèo như y tế, giáo dục…”.

Vì sao hầu hết các tỉnh áp dụng chuẩn nghèo chung (áp dụng từ 1-1-2011): 360.000 đồng/người/tháng ở nông thôn và 500.000 đồng/người/tháng ở thành thị mà TP.HCM, Hà Nội lại có cách tính khác? Câu trả lời ngoài liên quan tới mức sống, thì tiêu chí được 2 thành phố này áp dụng là xét xem người dân có được tiếp cận hệ thống an sinh xã hội, tiếp cận các dịch vụ nhà ở phù hợp và tiếp cận nhà ở có chất lượng và diện tích phù hợp… hay không. Như vậy, “cấp độ” nghèo ở thành phố và nông thôn đã có sự khác biệt khá lớn, trong khi người dân nông thôn nghèo là thiếu ăn, thiếu mặc thì “tiêu chí” nghèo” ở thành thị là thiếu nhà ở và các dịch vụ xã hội.

Với nhiều chuyên gia về giảm nghèo, việc có 2 tiêu chí xác định hộ nghèo nhưng lại áp dụng chung một chính sách hỗ trợ thì khó có hiệu quả đồng đều. Bởi cái mà người nghèo thành phố cần chưa chắc đã là BHYT, dạy nghề, hỗ trợ việc làm… như dân nghèo nông thôn. Và chắc chắn, cách tiếp cận để họ thoát nghèo cũng không thể chỉ là cho con bò, con gà như ở nông thôn.

Trao dần “cần câu” cho người nghèo

Hình ảnh ví von ngộ nghĩnh này đang là tiêu chí để các tỉnh thực hiện công tác xoá nghèo. Nhưng cho tới giờ, cách thức thực hiện vẫn nặng tính “bao cấp” khiến rất nhiều nơi người nghèo ỷ lại, cố “xin” cho được “suất nghèo”.

Bà Hà Thị Liên - Ủy viên UB T.Ư MTTQ Việt Nam cũng thừa nhận, xã hội ngày càng quan tâm tới hộ nghèo với tấm lòng “lá lành đùm lá rách”. Hộ nghèo ở các huyện nghèo được hỗ trợ từ nhiều nguồn: Chính phủ, các doanh nghiệp, và quỹ… Vì vậy mà có năm như năm 2009, nhiều hộ nghèo được lĩnh tới 2-3 triệu đồng tiền Tết. Các khoản hỗ trợ khác trong năm cũng khá nhiều.

Bộ LĐ-TB&XH cho biết, nếu tính theo chuẩn nghèo mới, từ năm 2011, nước ta có khoảng 15-17% hộ nghèo, tương đương 3,3 triệu hộ nghèo, trong đó 90% tập trung ở nông thôn. Khu vực Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam bộ vẫn đứng đầu về hộ nghèo (nhiều huyện trên 50%).

Ông Trần Trung - Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội (Bộ LĐ-TB&XH) cho rằng, cách làm này thực sự cần phải thay đổi. Hiện tại, Văn phòng Chương trình mục tiêu quốc gia xoá đói giảm nghèo đang xây dựng Dự thảo (lần 6) về thực hiện chương trình giai đoạn 2010-2015.

Theo đó, người nghèo vẫn được thụ hưởng 8 chính sách: Từ vay vốn làm ăn tới hưởng thụ văn hoá, thông tin nhưng cách tiếp cận sẽ khác. Ví dụ như về vay vốn, nhà nước sẽ từng bước giảm dần ưu đãi thông qua lãi suất, tiến tới cho vay theo lãi suất thương mại.

Về dạy nghề, tạo việc làm thì tăng mức hỗ trợ trực tiếp cho người nghèo, người khuyết tật, đồng bào các dân tộc thiểu số ở những vùng đặc biệt khó khăn khi tham gia học nghề. Có cơ chế, chính sách hỗ trợ học nghề phù hợp đối với lao động thuộc hộ mới thoát nghèo trong 1-2 năm, tạo điều kiện để họ thoát nghèo bền vững. Có lẽ, đây là lời giải chung khả dĩ cho công tác xoá đói giảm nghèo hiện nay.