Đó là các điều khoản dự thảo do Bộ LĐTBXH đề xuất sửa đổi, bổ sung Quyết định 1956/QĐ-TTg phê duyệt đề án Dạy nghề cho lao động nông thôn tới năm 2020. Sáng 17.7, nhân cuộc họp Giao ban trực tuyến của Chính phủ sơ kết 3 năm thực hiện Đề án này, Bộ LĐTBXH chính thức công bố, lấy ý kiến rộng rãi về Dự thảo.
Các ưu đãi nói trên dành cho lao động nghèo, dân tộc thiểu số đi học nghề theo Đề án Dạy nghề cho lao động nông thôn tới năm 2020 (Đề án 1956). Một điểm mới đặc biệt trong dự thảo này là người cận nghèo cũng được hỗ trợ bằng mức với người nghèo.
Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, cuộc sống của hộ cận nghèo cũng rất khó khăn. Qua các đợt kiểm tra trực tiếp tại cơ sở, đồng thời lắng nghe ý kiến của Ban chỉ đạo dạy nghề cho lao động nông thôn các cấp, Ban chỉ đạo TƯ và Bộ LĐTBXH nhận thấy đây là sửa đổi cần thiết để hỗ trợ nông dân nghèo học nghề.
Vấn đề tăng mức hỗ trợ tiền ăn lên 25.000 đồng/người/ngày đã được các tỉnh đề nghị từ năm 2011. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang, ông Sèn Chỉn Ly cho biết, học viên đều là những lao động chính trong gia đình. Mức hỗ trợ tiền ăn 15.000 đồng/người/ngày hiện nay là rất thấp. Vừa phải bỏ việc, vừa phải chi phí ăn, đi lại nên nhiều người ngại ngần.
Ngoài dự thảo về tăng tiền ăn, đi lại, học phí cho hộ nghèo, Bộ LĐTBXH cũng đề nghị tăng mức thù lao cho giảng viên dạy nghề cho lao động nông thôn. Lao động nông thôn đã được hỗ trợ học nghề, có thể được hỗ trợ học tiếp nhưng không quá 3 lần (thay vì chỉ được 1 lần như trước kia).
Một điểm mới nữa về trách nhiệm, Dự thảo Quyết định sửa đổi này yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố chịu trách nhiệm về kết quả, hiệu quả dạy nghề (trước đó, trách nhiệm chưa được quy rõ, dẫn tới nhiều tỉnh không thành lập Ban chỉ đạo, không báo cáo về hoạt động này).
Về kết quả của Quyết định 1956, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh, 3 năm đã có 1.088.393 lao động được hỗ trợ đào tạo, đạt 77,74% kế hoạch (kế hoạch của Đề án là đào tạo khoảng 1.400.000 lao động).
Trong số này có 1.042.059 người đã học xong, có 822.460 người có việc làm mới hoặc tiếp tục làm nghề cũ nhưng thu nhập cao hơn: đạt 78,9%. “Đây là kết quả bước đầu rất đáng khích lệ”- Phó thủ tướng nói
Tuy nhiên, quá trình thực hiện Đề án còn nhiều bất cập như lãng phí khi xây dựng Trung tâm dạy nghề, mua sắm thiết bị dạy nghề. Có 10 tỉnh xuất hiện tình trạng không biết người học là ai (chỉ thống kê ngành nghề đã học). Hiện Ban Chỉ đạo TƯ yêu cầu các tỉnh tăng cường giám sát để tránh lãng phí, kém hiệu quả khi triển khai Đề án.