Dân Việt

Cấp đất trên giấy, dân tái định cư khốn đốn

An Sơn 14/08/2013 11:22 GMT+7
Sau 10 năm về sống tại các khu tái định cư, cuộc sống của hơn 850 hộ dân bị mất đất bởi Dự án hồ Tả Trạch (Thừa Thiên- Huế) ngày càng khốn đốn do không được cấp đất theo chủ trương “đất đổi đất” của dự án.

Nợ dân hơn 1.000ha đất


Năm 2003, khi di dời 855 hộ dân ở xã Dương Hòa (thị xã Hương Thủy) để lấy đất cho Dự án hồ Tả Trạch, tỉnh Thừa Thiên- Huế quy định những hộ dân phải di dời sau khi đến nơi ở mới sẽ được cấp tối thiểu 1ha đất trồng hoa màu, riêng đất rừng thì thực hiện “đất đổi đất” nên người dân không được đền bù đất rừng. Chủ trương này khiến các hộ dân tin rằng cuộc sống của họ tại nơi ở mới ít nhất cũng bằng nơi ở cũ. Tuy nhiên, đến nay, sau 10 năm về các khu tái định cư, dân vẫn chưa được cấp đất theo đúng chủ trương “đất đổi đất” của tỉnh.

Thiếu đất sản xuất, cuộc sống của nhiều hộ dân ở thôn tái định cư Khe Sòng đang rất khó khăn, thiếu thốn.
Thiếu đất sản xuất, cuộc sống của nhiều hộ dân ở thôn tái định cư Khe Sòng đang rất khó khăn, thiếu thốn.

Ông Trương Văn Huy- Trưởng thôn tái định cư Khe Sòng (xã Dương Hòa) cho biết, từ ngày di dời về khu tái định cư này đến nay, đời sống của 68 hộ dân trong thôn tụt dốc như xe không phanh. “100% hộ dân ở đây đều phải trông chờ vào việc làm thuê làm mướn để có cái ăn vì thiếu đất sản xuất trầm trọng. Trẻ em ở đây phần lớn đều phải bỏ học từ rất sớm, ngày càng có nhiều gia đình mâu thuẫn vì đói khổ”- ông Huy buồn nói.

Bi kịch của người dân thôn tái định cư Khe Sòng cũng là thực trạng chung tại các khu tái định cư khác của Dự án hồ Tả Trạch, như các khu tái định cư Bến Ván, Phúc Lộc (huyện Phú Lộc), Hòa Bình (thị xã Hương Trà)… “Tại nơi ở cũ, gia đình tui có 5ha đất rừng, chưa kể lượng lớn đất trồng hoa màu, nhưng về đây chỉ được cấp vỏn vẹn 4 sào đất cằn cỗi, trồng cây gì cũng không sống nổi. Muốn có cái ăn phải đi làm thuê nhưng việc làm thuê cũng không dễ kiếm nên cuộc sống ngày càng cùng cực” - bà Hồ Thị Lư (thôn tái định cư Phúc Lộc) bức xúc.

Theo thống kê của Ban Kinh tế và ngân sách HĐND tỉnh Thừa Thiên- Huế, đến thời điểm hiện tại, tỉnh vẫn nợ người dân mất đất bởi công trình hồ Tả Trạch tổng cộng 1.012ha đất sản xuất vì chủ trương “đất đổi đất” không được thực hiện.

Chưa có giải pháp

Theo tìm hiểu của NTNN, khi di dời các hộ dân bị mất đất bởi Dự án hồ Tả Trạch, UBND tỉnh Thừa Thiên- Huế ra quyết định ghi rõ là sẽ thu hồi đất của các lâm trường, công ty lâm nghiệp, ban quản lý rừng phòng hộ để cấp cho các hộ dân này theo chủ trương “đất đổi đất”. Vậy nhưng, từ đó đến nay, việc thu hồi đất của các đơn vị trên để giao cho người dân tái định cư vẫn chưa được thực hiện tốt, có nơi chỉ giao đất trên... giấy tờ. Người dân bức xúc, kiến nghị lên chính quyền đòi đất thì được trả lời rằng... phải chờ đợi.

Trao đổi với phóng viên NTNN, ông Võ Quang Vinh - Giám đốc Ban Đầu tư và Xây dựng NNPTNT tỉnh Thừa Thiên- Huế, đơn vị phụ trách công tác đền bù và tái định cư các hộ dân mất đất bởi Dự án hồ Tả Trạch, cho biết: Việc thu hồi đất của các lâm trường, công ty lâm nghiệp, ban quản lý rừng phòng hộ để giao cho dân gặp nhiều khó khăn dẫn đến việc người dân phải chờ đợi kéo dài. Trước thực trạng này, UBND tỉnh đã báo cáo và đề xuất Bộ NNPTNT xin Chính phủ kinh phí để đền bù đất bằng tiền cho dân, nhưng đến nay vẫn chưa có kết quả.

Theo ông Vinh, trong khi Chính phủ chưa hồi âm đề xuất của tỉnh thì địa phương vẫn chưa tìm ra giải pháp để đền bù cho người dân bị nợ đất nên người dẫn vẫn sẽ phải chờ đợi. “Biết là người dân bị thiệt thòi nhưng ngân sách tỉnh không có nên đành chịu thôi”- ông Vinh nói. Xem ra, ngày người dân mất đất bởi Dự án hồ Tả Trạch được giải quyết quyền lợi còn rất xa vời.