Thỏa thuận được ca ngợi là “chiến thắng của Syria”, và điều mà ai cũng nhìn thấy rằng nó đã cứu nguy cho Tổng thống Bashar al-Assad trước miệng vực chiến tranh. Và như vậy, Nga - một đồng minh thân cận của Assad đã đạt được lợi ích là đã mang hàm ơn đến cho Assad.
Theo thỏa thuận, Syria phải giao nộp số vũ khí hóa học để tiêu hủy hoặc giải giáp trong vòng 9 tháng, song không có hành động quân sự nào được đề cập tới nếu nước này không tuân thủ các điều khoản của thỏa thuận. Mỹ và Nga nhất trí đưa thỏa thuận này vào nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc tới đây.
Tuy nhiên, Mỹ cũng đã chấp nhận yêu cầu của Nga là nghị quyết này sẽ không cho phép các nước tiến hành hành động quân sự nếu chế độ của Tổng thống Assad cản trở hoạt động kiểm soát các kho vũ khí hóa học của nước này.
Ngoại trưởng Mỹ Kerry (phải) cùng Ngoại trưởng Nga và các phụ tá bàn về Syria bên bể bơi tại một khách sạn ở Geneva, Thụy Sĩ.
Về phía Mỹ, chính quyền của Tổng thống Obama cũng giành được hai thắng lợi quan trọng: Mỹ không phải rút lại lời đe dọa tiến hành hành động quân sự nhằm vào Syria, đồng thời cho rằng: “Nếu các nỗ lực ngoại giao thất bại thì Mỹ sẵn sàng hành động”. Điều này có thể được hiểu rằng, ông Obama đã có lối thoát an toàn và bảo vệ được danh dự của mình.
Tuy nhiên, điều khiến các nhà ngoại giao ngạc nhiên chính là tham vọng và chi tiết của kế hoạch này. Theo đó, Tổng thống Assad phải cung cấp danh sách các kho vũ khí hóa học của Syria trong vòng 7 ngày và cho phép phá hủy số vũ khí này trước thời điểm giữa năm 2014. Ngoài ra, ông Assad cũng phải cho phép cơ quan giám sát vũ khí hóa học thế giới và Liên Hợp Quốc “quyền kiểm tra bất cứ và tất cả các địa điểm ở Syria ngay lập tức và không hạn chế”.
Phía Mỹ tin rằng những thời hạn này sẽ khiến chế độ Assad khó có thể cản trở tiến trình của kế hoạch đề ra. Các nhà ngoại giao phương Tây cũng cho rằng với thỏa thuận chi tiết như vậy, Nga đang đặt cược uy tín của nước này và Moscow sẽ không cho phép chế độ của ông Assad coi thường thỏa thuận mà Kremlin đứng tên.