Là một trong những cộng đồng người dân tộc thiểu số sinh sống đông nhất ở dọc biên giới phía tây nam Tổ quốc, đồng bào Khmer chủ yếu định cư ở các tỉnh Tây Ninh, Bình Phước, An Giang, Kiên Giang… với những nét văn hóa truyền thống vô cùng độc đáo và đặc sắc, đặc biệt là các kiến trúc cổ thông qua những ngôi chùa của mình.
Tại mỗi khu dân cư của người Khmer đều phải có một ngôi chùa. Chùa, trong quan niệm của người Khmer không chỉ đơn thuần là nơi thờ cúng, tu niệm mà còn là nơi để đồng bào sinh hoạt văn hóa, gặp gỡ và giữ gìn những giá trị tốt đẹp của cộng đồng mình.
Chùa Xà Tón ở Tri Tôn ( Tri Tôn, An Giang).
Chùa của người Khmer luôn được trang hoàng lộng lẫy, bắt mắt với gam màu chủ yếu là đỏ cam và vàng rực rỡ. Từ cổng chùa cho tới tường, các hình họa tiết trang trí hay bất cứ những đồ nội thất nào khác đều có hai màu này. Ngoài ra, cổng chùa thường được làm bằng các hình khối lập phương có tháp nhọn, cao, thẳng đứng thể hiện ước vọng vươn lên của đồng bào.
Cổng chùa hầu hết được sơn một màu vàng, màu của thế giới Phật theo dòng Nam Tông. Trong chùa, các bức tường, cột, kèo, mái… thường được trang trí bằng các bức tranh vẽ nổi trên bề mặt miêu tả lại những cảnh sống, sinh hoạt đời thường của đồng bào người Khmer bằng những hình ảnh hết sức sinh động và nhộn nhịp, vui vẻ.
Đặc biệt, có một hình tượng không bao giờ có thể thiếu ở các ngôi chùa của người Khmer ấy chính là rắn thần Naga 9 đầu. Với cộng đồng người Khmer, rắn là loài vật tượng trưng cho cái thiện, khỏi những điều xui xẻo.
Rắn thần Naga còn là người bảo vệ cả những linh hồn khi họ đã về với thế giới bên kia. Vì thế, trong những bức tường, những mái lợp hay các cột, kèo trong chùa, người Khmer luôn có hình tượng rắn Naga để mong muốn sự bình an, tốt lành trong cuộc sống.