Niềm đam mê sáng tạo
Người dân xã Tự Tân (Vũ Thư, Thái Bình) thường gọi Ngọc bằng cái tên trìu mến: Ngọc "Niutơn". Bố Ngọc trước đây làm nghề sửa chữa ôtô, sau mở luôn tiệm sửa xe máy tại nhà. Mỗi lần bố sửa xe máy, Ngọc ngồi xem một cách chăm chú. "Dần dần niềm đam mê đó ngấm dần vào tôi từ lúc nào không biết" - Ngọc tâm sự.
Sau khi tốt nghiệp phổ thông, Ngọc thi đỗ vào trường dược. Nhưng chỉ 3 tháng sau, Ngọc bỏ trường Dược để đi học Trường Trung học Công nghiệp Quốc phòng 91 (Từ Liêm, Hà Nội). Với nhiều người, Ngọc là "kẻ gàn" vì bỏ làm thầy, đi làm thợ. Nhưng với Ngọc, đây mới đúng là môi trường để Ngọc có thể phát huy tài năng cũng như đam mê của mình. Do có thành tích xuất sắc trong học tập, Ngọc được cử đi học thêm hai năm rưỡi chuyên ngành cơ khí chế tạo máy.
Năm 2005, trở về quê, Ngọc quyết tâm gây dựng nhà xưởng trên chính quê hương của mình. Thành công đầu tiên của Ngọc phải kể đến chiếc máy vặt lạc. Chiếc máy này cho năng suất gấp 10 lần công thợ vặt lạc. Tin lành đồn xa, rất nhiều hộ dân trong, ngoài xã đến mượn máy về dùng thử. Và cái tên Ngọc "Niutơn" cũng xuất hiện từ đó.
Liên tiếp 2 năm sau đó, hàng loạt sáng tạo của Ngọc ra đời, gần đây nhất là chiếc máy rửa bát tự động. Khi chúng tôi tìm đến, Ngọc đang lắp dở máy uốn cắt sắt xây dựng. Đây là chiếc cuối cùng trong hợp đồng 10 chiếc ký với khách hàng ở Đà Nẵng mà anh phải giao vào đầu tháng 12-2010. Chiếc máy này đã đạt giải Ba trong Hội thi sáng tạo kỹ thuật tỉnh Thái Bình lần thứ III, năm 2008-2009 và được gửi đi dự thi "Festival sáng tạo trẻ toàn quốc".
Loay hoay tìm vốn
Thành công trong lĩnh vực chế tạo nhưng khi mở rộng sản xuất, Ngọc gặp rất nhiều vấn đề về nhà xưởng, vốn sản xuất. Nói về cơ sở làm nghề, Ngọc cười buồn bảo, gọi là xưởng cơ khí cho oai chứ thật ra đã là cái gì đâu!... Hiện, xưởng của Ngọc được tận dụng từ mấy gian bếp cũ của gia đình. Cả xưởng chỉ có 8 người. Người làm ở đây toàn anh em trong xã chơi với nhau về giúp một tay. Tính đến nay, Ngọc còn nợ ngân hàng vài chục triệu đồng. Hôm chúng tôi đến, Ngọc đang chuẩn bị lên UBND xã làm thủ tục vay thêm 120 triệu đồng. Đây là số vốn ưu tiên của Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Thái Bình cho vay không lấy lãi nên Ngọc cũng yên tâm phần nào.
Tại "Festival sáng tạo trẻ toàn quốc" do T.Ư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tổ chức trong các ngày 16 đến 18-12, hai sản phẩm là máy uốn cắt sắt và máy rửa bát của Ngọc được Ban giám khảo đánh giá rất cao, đặc biệt là sản phẩm máy rửa bát. Đứng trước 321 đề tài dự thi đến từ 35 tỉnh, thành trong cả nước, Ngọc thấy rất tự tin vào sản phẩm của mình.
Tuy vậy, kết quả chung cuộc là… không đạt giải gì vì tuy được Ban giám khảo đánh giá rất cao cả về ý tưởng, mẫu mã… nhưng sản phẩm máy rửa bát của Ngọc chưa được bán rộng rãi trên thị trường. "Mình cũng thấy tiếc lắm, tuy được đánh giá cao nhưng sản phẩm của mình không đáp ứng được tiêu chí của Ban tổ chức là sản xuất đại trà và đưa rộng rãi ra thị trường" - Ngọc ngậm ngùi. Ngay sau khi Festival kết thúc, cũng có vài doanh nghiệp tư nhân trong và ngoài tỉnh chủ động liên hệ để liên doanh với cơ sở của Ngọc. Mới đây nhất, Doanh nghiệp tư nhân Xuân Đồng trên Thái Nguyên muốn liên kết với cơ sở của Ngọc để sản xuất. Doanh nghiệp này sẵn sàng làm chi nhánh cấp 1 phân phối sản phẩm. Hiện tại chàng kỹ sư chân đất này vẫn đang phân vân cho những bước đi tiếp theo.
Việc sản xuất của Ngọc mới chỉ ở quy mô nhỏ, manh mún và tất cả đều được làm thủ công. Mong ước của anh bây giờ là có một số vốn khoảng 500 triệu đồng để mở rộng sản xuất theo quy mô dây chuyền.
Thái Hưng- Nghệ An