Dân Việt

Gia đình 18 thuyền viên bị mắc kẹt ở Trung Quốc kêu cứu

Ngọc Lương 18/07/2013 08:56 GMT+7
Sáng 17.7, người thân của 18 thuyền viên hiện đang mắc kẹt trên tàu Hoa Sen và Sea Eagle tại Trung Quốc đã đến trụ sở của Công ty TNHH MTV Vận tải Viễn dương Vinashin (Vinashinlines) ở Hà Nội yêu cầu đưa con em họ về nước.
Những người nhà của các thuyền viên đến từ Bắc Giang, Hải Dương, Thanh Hóa, Nghệ An. Họ cho biết, trong số con em mình có 9 người trên tàu Hoa Sen và 9 người khác trên tàu Sea Eagle. Hai con tàu này bị mắc kẹt ở Trung Quốc, không duy trì bất kỳ hoạt động nào, chỉ nằm chờ Vinashinlines (thuộc Tổng Công ty Vận tải biển Việt Nam Vinalines)bán tàu rồi lấy tiền trả lương cho thuyền viên.
img
Tàu chở khách Hoa Sen của Vinashinlines cũng đang mắc kẹt ở Chiết Giang, Trung Quốc do không có tiền sửa chữa. Ảnh: VnExpress
Chị Phan Thị Bích - người nhà của thủy thủ Phan Văn Thuật (SN 1988) cho hay: Sáng nay (17.7), em trai tôi có gọi điện về cho biết hiện các thủy thủ đang rất hoang mang, lo lắng vì điện, nước trên tàu đã bị cắt, tàu bị trôi rất nguy hiểm. Đặc biệt, visa và các giấy tờ đã bị giữ nên không thể đi đâu được.
Bố của thuyền viên Lê Thanh Hải (ở Thanh Hóa) kể: Con tôi quá thời hạn hợp đồng hơn 1 năm rồi. Cháu gọi điện về kêu thiếu ăn, lương thì 6 - 7 tháng không có. Gia đình chỉ muốn đưa cháu về.
Trong đơn của anh Chu Trọng Cường - thuyền phó 2 của tàu Sea Eagle cho biết, tàu trọng tải hơn 65.000 tấn của Vinashinlines, nhưng hiện tàu nằm bất động tại Long Shan ShipYard có địa chỉ: Liu-heng island, Zhoushan, Zhenjiang (Trung Quốc) từ năm 2008 đến nay. 9 thuyền viên trên tàu Sea Eagle sang nhận công tác từ ngày 23.8.2011 và chấm dứt hợp đồng ngày 30.6.2012, nhưng cho đến nay vẫn chưa được cho về nước.
Buổi sáng cùng ngày, những người nhà của các thuyền viên đã có buổi làm việc với đại diện phía công ty. Tại đây, ông Nguyễn Văn Thoa - Giám đốc trung tâm thuyền viên của Vinashinlines kêu gọi bà con thông cảm, chia sẻ với công ty. Ông Thoa cho hay, mặc dù biết hoàn cảnh khó khăn của các gia đình, thế nhưng phía công ty không có tiền để trả. Khoản lương có được là nhờ hỗ trợ của Chính phủ. Nếu muốn thuyền viên về nước ngay thì phải đợi gói hỗ trợ khác của Chính phủ.
Ông Bùi Trường Mạnh - Phó Chủ tịch Công đoàn của Vinashinlines bày tỏ, bản thân ông cũng bị công ty nợ lương chứ không riêng gì các thuyền viên. Từ tháng 11 mới có lương trở lại nhờ gói hỗ trợ của Chính phủ. Chính phủ quyết định bán được tàu nào trả lương cho thuyền viên thuyền đấy. Hiện mới bán được một tàu, còn các tàu khác đang phải đợi. Theo đại diện của công ty, ngày 21.7 tới đây, sẽ có người bay sang Trung Quốc để tiếp tục tìm hướng giải quyết.