Phóng viên NTNN vào cuộc tìm hiểu thì phát hiện công ty không còn hoạt động ở nơi đăng ký kinh doanh, nơi sản xuất cũng công bố giải thể, tuy nhiên vẫn có sản phẩm bày bán...
Địa chỉ “ma” trên nhãn mácAnh Phạm Văn Hải ở phố Nguyễn Đức Cảnh, quận Hoàng Mai (Hà Nội) - một trong những khách hàng đã sử dụng sản phẩm sa tế tôm Tân Đại Phát cho biết: “Vào tối 29.6, tôi và một số đồng nghiệp có vào nhà hàng Viện Công nghệ thực phẩm tại địa chỉ số 301 phố Nguyễn Trãi, Hà Nội để ăn uống. Trong khi ăn lẩu, chúng tôi gọi 2 lọ sa tế. Khi vừa mở nắp, tôi thấy mốc quanh hộp và mùi hôi bốc ra nồng nặc. Trên nắp hộp ghi còn 3 tháng nữa mới hết hạn sử dụng, vậy mà sản phẩm đã ôi thiu không thể sử dụng”. Bao bì sản phẩm cũng không ghi về số giấy chứng nhận đăng ký chất lượng...
Lọ sa tế còn hạn 3 tháng nhưng đã có nấm mốc, bốc mùi hôi (trái). Địa chỉ 77 Trường Lâm hiện là quán cơm.
Từ phản ánh này, phóng viên NTNN đã có cuộc trao đổi qua điện thoại theo số máy ghi trên sản phẩm và được anh Trần Văn Bộ - nhân viên giao hàng cho biết: “Có thể do số lô hàng mà khách hàng phản ánh bị lỗi do thời tiết”. Sau đó, phóng viên được hẹn ngày 3.7 đến làm việc. “Địa chỉ có ghi trên sản phẩm, anh cứ đến sẽ có người ở nhà tiếp...” - anh Bộ nói.
Theo đăng ký kinh doanh của Công ty TNHH TM&SX Hà Thành mà chúng tôi tìm kiếm trên trang web của Sở Kế hoạch- Đầu tư Hà Nội, công ty này do bà Phí Thị Thu Hà làm giám đốc, tình trạng là “vẫn đang hoạt động” (số đăng ký kinh doanh: 0101461448). Trên nhãn sản phẩm sa tế có ghi địa chỉ trụ sở công ty là 77 Trường Lâm, quận Long Biên, Hà Nội. Những tưởng vậy là đơn giản để truy xuất nguồn gốc sản phẩm.
Nhưng, khi phóng viên tìm đến địa chỉ đăng ký kinh doanh và địa chỉ in trên nhãn sản phẩm là số 77 Trường Lâm thì hiện địa chỉ này là cửa hàng cơm phở Thành Nam. Bác K - một cư dân sinh sống lâu năm ở đây cho biết: “Số nhà 77 Trường Lâm trước đây là của một công ty sản xuất nước mắm, từng bị công an và quản lý thị trường phát hiện vi phạm trong sản xuất, sau đó họ chuyển đi đâu không rõ...”.
Vào vai người đặt mua hàng, phóng viên được anh Bùi Văn Thật – Trưởng phòng Kinh doanh Công ty?Hà Thành cho biết: “Nếu muốn lấy hàng thì phải chuyển khoản, khi bên công ty nhận được tiền thì mới chuyển hàng tại điểm khách yêu cầu. Hiện giá bán sa tế tôm 208.000 đồng/thùng 60 hũ; bột canh 69.000 đồng/hộp, 50 gói”.
Phóng viên đề nghị muốn được tới cơ sở sản xuất xem hàng thì anh Thật cho biết anh không phụ trách khu vực ngoài Hà Nội và cho điện thoại của 2 nhân viên kinh doanh. Thế nhưng 2 nhân viên này cũng nhất định chỉ giao hàng trực tiếp chứ không tiết lộ nơi sản xuất.
An toàn thực phẩm nơi sản xuất: Bỏ ngỏ!Sau nhiều lần liên lạc, phóng viên được “chỉ” đi nhiều hướng tìm công ty này, lúc thì ở 117 phố Trường Lâm, lúc thì ở 109 phố Trường Lâm... cuối cùng chúng tôi cũng lần ra được xưởng sản xuất chính của Công ty Hà Thành tại thôn Liễu Ngạn, xã Ngũ Thái (Thuận Thành, Bắc Ninh).
Bước vào nơi sản xuất, đập vào mắt chúng tôi là những lọ tương ớt được bày vung vãi dưới sàn đất. Anh bảo vệ tên Dương cho biết: “Vào mùa này thì chưa sản xuất sa tế, phải tháng 8 mới bắt đầu làm, còn tương ớt thì làm quanh năm”. Mục sở thị khu sản xuất, các máy móc ở đây chủ yếu là những loại máy thủ công thô sơ đã hoen gỉ, cũ kỹ… và không thấy lao động làm. Các công nhân ở đây cho biết: “Dạo này hàng ế, bà chủ không có tiền đầu tư nên giảm lượng hàng làm”.
Theo ông Nguyễn Gia Sào - nguyên Trưởng phòng Đăng ký kinh doanh (Sở KHĐT Bắc Ninh), doanh nghiệp sản xuất trên địa bàn nào thì cơ quan chức năng ở đó kiểm soát an toàn vệ sinh thực phẩm. Tuy nhiên, ông Nguyễn Gia Minh – Trưởng thôn Liễu Ngạn cho biết, Công ty Hà Thành tổ chức sản xuất rất kín đáo, có mùa còn sản xuất ở nơi khác nhưng đem sản phẩm về đây đóng gói.
“Dù sa tế của họ rẻ hơn so với các loại sa tế khác nhưng bà con ở đây cũng không mua, vì bà con cho rằng hàng sản xuất thủ công, chất lượng không đảm bảo, dễ lên men mốc. Tôi thấy hàng hầu như chở đi bán tại các nhà hàng, quán ăn dưới Hà Nội và bán cho tiểu thương ở chợ Đồng Xuân”- ông Minh nói. Cũng theo ông Minh, chưa từng thấy xưởng này bị kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm. “Khi “đánh hơi” thấy sắp có kiểm tra thì công ty dường như ngừng hoạt động”- ông Minh nói.
Theo Công an phường Đức Giang (Long Biên, Hà Nội), nhà số 77 phố Trường Lâm trước đây đăng ký hộ khẩu là của chị Phí Thị Thu Hà - Giám đốc Công ty Hà Thành. Vào năm 2010, công an phường phối hợp với đoàn kiểm tra vệ sinh liên ngành kiểm tra cơ sở sản xuất và thu giữ hơn 2 tấn thạch các loại cùng 12kg đường cyclamate (loại phụ gia bị cấm sử dụng trong thực phẩm), tạm giữ 3 lô sản phẩm tương bần, tương ớt cay, sa tế tôm Tân Đại Phát do trên bao bì không ghi về tiêu chuẩn, chất lượng.
|
Ngày 5.8, trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Văn Hiền - Giám đốc Trung
tâm Y tế và ông Nguyễn Văn Liệu - Trưởng phòng An toàn thực phẩm huyện
Thuận Thành (Bắc Ninh) cho hay: Công ty Hà Thành đặt cơ sở sản xuất tại
thôn Liễu Ngạn từ năm 2008, đến 2011 thì tuyên bố giải thể.
Suốt quá
trình hoạt động, Trung tâm Y tế huyện Thuận Thành cũng đã tiến hành
nhiều đợt kiểm tra, phát hiện nhiều sai phạm liên quan đến nhãn mác, an
toàn vệ sinh, nguồn nước… Tuy nhiên, sau kiểm tra, trung tâm chỉ lập
biên bản nhắc nhở chứ chưa hề xử phạt hành chính.
Tuy nhiên, khi phóng viên thông tin Công ty Hà Thành vẫn sản xuất trên địa bàn huyện, ông Hiền thừa nhận: Từ khi công ty tuyên bố giải thể, xưởng có sản xuất hay không chúng tôi thật sự không biết. Cũng vì thế, suốt 2 năm qua, Trung tâm Y tế không có thêm bất kỳ cuộc kiểm tra nào về an toàn thực phẩm với cơ sở này. “Nếu đúng như phóng viên thông tin, chúng tôi sẽ lập đoàn kiểm tra để làm rõ, nếu có sai phạm sẽ tiến hành xử lý nghiêm”- ông Hiền nói.
Chúng tôi liên lạc với bà Phí Thị Thu Hà nhưng điện thoại tắt. Và như vậy, sản phẩm thực phẩm có nhãn mác, được sản xuất bởi công ty có đăng ký kinh doanh nhưng khi gặp sự cố, người tiêu dùng không biết kêu ai, bắt đền ai...