Đây là những quy định mới về XK gạo vừa được Bộ Công Thương ban hành.
“Choàng” cả sản xuất lúa là khó...Quan điểm của Bộ Công Thương khi đưa ra quy định này là khá rõ: Các doanh nghiệp (DN) XK gạo tiến tới sẽ phải có vùng nguyên liệu hoặc hợp tác, đặt hàng, liên kết với người sản xuất lúa mới được làm đầu mối XK gạo, tránh tình trạng DN mua bán giấy phép XK.
Xây dựng vùng nguyên liệu riêng là yêu cầu đặt ra với doanh nghiệp xuất khẩu gạo.
Các quy định này, theo Bộ Công Thương, không những giúp DN chủ động được nguồn hàng, mà nông dân cũng có thị trường tiêu thụ ổn định hơn và khuyến khích DN đầu tư hệ thống kho chứa nhiều hơn. Ông Trần Thanh Hải – Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) nhấn mạnh: “Chúng tôi không khuyến khích DN làm thương mại đơn thuần, mà khuyến khích DN có vùng nguyên liệu hoặc hợp tác đặt hàng liên kết với người sản xuất lúa gạo. “Các quy định mới này sẽ loại bỏ các DN không đủ năng lực, hạn chế thấp nhất việc các DN chỉ kinh doanh thương mại tham gia XK gạo, nhiều khi gây lũng đoạn, bất ổn cho thị trường gạo”- ông Hải nói.
Trên thực tế, các quy định mới về XK gạo của Bộ Công Thương đang có những phản ứng trái chiều. Ông Nguyễn Văn Đôn- Giám đốc Công ty TNHH Việt Hưng - một DN chuyên XK trên 70.000 tấn gạo/năm, nói: Việc yêu cầu DN phải đầu tư kho chứa, cơ sở xay xát thóc gạo là cần thiết và hợp lý để nâng cao khả năng XK gạo. Tuy nhiên, nếu bắt DN “choàng” thêm cả việc phải có vùng nguyên liệu là rất khó. Bởi hầu hết DN hiện nay không có chuyên môn về sản xuất lúa, thêm nữa là không có đủ vốn để bao tiêu cả sản xuất lúa gạo hiện nay.
Bà Vũ Thị Thu Hạnh - Giám đốc Công ty Ngũ cốc Việt cũng than rằng, trong bối cảnh kinh doanh gạo đang gặp nhiều khó khăn, XK gạo sụt giảm thì việc DN phải bổ sung thêm các điều kiện về cơ sở vật chất và vùng nguyên liệu để được XK gạo xem ra là quá tải’. DN vẫn đang phải “oằn mình” để đáp ứng được các điều kiện về kinh doanh XK gạo”- bà Hạnh nói.
Trong khi đó, các chuyên gia lại đánh giá cao các điều kiện kinh doanh XK gạo vừa ban hành. Tiến sĩ Lê Văn Bảnh- Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL nêu thực tế: Mỗi vụ thu hoạch giá lúa gạo của nông dân lại xuống thấp mà nguyên nhân là do DN XK gạo không chịu đầu tư kho tồn trữ, không có vùng nguyên liệu, hầu như chỉ đi thu gom XK khi ký được hợp đồng. Theo ông Bảnh, việc bổ sung quy định vùng nguyên liệu vào điều kiện để cấp phép cho DN XK gạo không những giúp DN chủ động được nguồn gạo, nông dân có địa chỉ tiêu thụ lúa và không bị ép giá mà còn khuyến khích DN đầu tư hệ thống kho chứa nhiều hơn.
Đừng để điều kiện thành đối phóTheo chuyên gia thương mại Phạm Tất Thắng, vấn đề quan trọng nhất hiện nay là việc thực thi các điều kiện đưa ra có đảm bảo công bằng và nghiêm túc hay không? Ông Thắng nói: “Việc yêu cầu các DN XK gạo nói riêng và XK nông sản nói chung phải có vùng nguyên liệu là câu chuyện đã được đề cập từ cách đây hơn 20 năm mà đến nay, chúng ta vẫn không làm được. Vậy với vùng nguyên liệu lúa gạo hiện nay, lấy gì để đảm bảo việc thực thi sẽ hiệu quả?”.
Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), cả nước hiện có khoảng hơn 200 DN tham gia XK gạo. Trong đó số DN có kho tàng, cơ sở xay xát, phương tiện đóng gói, vận chuyển chiếm chưa tới 25%, còn lại chủ yếu là làm thương mại, mùa vụ. Điều này cũng có nghĩa hơn 50 DN sẽ bị loại ra khỏi “sân chơi” gạo.
|
Ngay quy định DN phải có ít nhất một kho chuyên dùng chứa lúa gạo với sức chứa tối thiểu 5.000 tấn; có cơ sở xay xát với công suất tối thiểu 10 tấn lúa/giờ đến nay nhiều nơi, nhiều DN cũng chỉ là làm để đối phó. Theo Cục Chế biến thương mại nông lâm thủy sản và nghề muối (Bộ NNPTNT), hiện tổng tích lượng kho chứa lúa gạo cả nước đã đạt 5,38 triệu tấn; trong đó, tích lượng kho chứa gạo chiếm phần áp đảo với 4,36 triệu tấn, tích lượng kho chứa lúa chỉ ở mức khiêm tốn là 1,02 triệu tấn. Tuy nhiên, trên thực tế, có những kho chứa có công nghệ lạc hậu, DN xây kho chứa để đối phó với quy định về XK gạo cho nên ảnh hưởng đến chất lượng gạo XK sau này.
Theo ông Thắng, Việt Nam là nước hàng đầu thế giới về xuất khẩu gạo, nhưng hệ thống chứa lúa gạo lại chỉ mang tính tạm thời, không thể tồn trữ, bảo quản theo đúng nghĩa của nó. Nông dân lâu nay chỉ đủ khả năng bảo quản lúa giống với sản lượng nhỏ, và họ thường bán ngay lúa thu hoạch cho thương lái. Trong khi đó, sự mất cân đối quá lớn giữa kho chứa gạo với kho chứa lúa như hiện nay tại ÐBSCL là không thể chấp nhận được, bởi để đạt hiệu quả cao trong dự trữ lúa gạo, tỷ lệ kho gạo và kho lúa cần ở mức cân bằng nhau.
“Điều kiện đặt ra thì dễ nhưng cái vòng luẩn quẩn trong kinh doanh lúa gạo cứ tiếp diễn khiến ngành lúa gạo ngày càng lún sâu vào tình trạng bấp bênh, và người nông dân trồng lúa cũng ngày một khó khăn hơn. Một quy trình đồng bộ thay vì các điều kiện đối phó cần phải được coi là giải pháp căn cơ nhằm khắc phục hiện trạng này của XK gạo Việt Nam hiện nay”- ông Thắng nói.