Dân Việt

Thế giới 2014: Vẫn nhiều lạc quan

Quang Minh (tổng hợp) 01/01/2014 06:52 GMT+7
Thế giới vừa bước qua năm 2013 với những cải thiện liên tục, nhưng nền kinh tế vẫn còn mong manh, xung đột địa chính trị vẫn còn dai dẳng...
8 vấn đề lớn

Các nhà phân tích chính trị cho rằng, có 8 vấn đề chính chi phối quan hệ quốc tế năm 2014, gồm: Trung Quốc có nguy cơ bùng nổ? Liệu Mỹ và Iran có hòa giải được với nhau? Mỹ có rời bỏ Cận Đông? Tình hình của Liên minh châu Âu có hy vọng được cải thiện trong vòng 1 năm nữa? Liệu các nước có thể đặt các hoạt động gián điệp mạng dưới sự kiểm soát? Nước Nga có phải là mối đe dọa?... Thực trạng châu Phi và tương lai của chủ nghĩa Hồi giáo chính trị trong bối cảnh phong trào dân chủ Mùa xuân Ả Rập cũng nằm trong số các chủ đề lớn.

Xung đột tại Trung Đông và Bắc Phi đứng đầu trong danh sách dự báo 10 xu hướng nổi bật của thế giới năm 2014.
Xung đột tại Trung Đông và Bắc Phi đứng đầu trong danh sách dự báo 10 xu hướng nổi bật của thế giới năm 2014.

Về câu hỏi Trung Quốc có khả năng bùng nổ, nhật báo Les Echos của Pháp nhấn mạnh đến 2 nguy cơ mà chính quyền Bắc Kinh phải đối mặt: Các phong trào ly khai và tầng lớp bị gạt ra bên lề trong cải cách.

Tờ Les Echos cũng bình luận đến khả năng chiến tranh tại vùng biển Hoa Đông. Ông Thierry de Montbrial - người sáng lập và Giám đốc Viện Quan hệ quốc tế Pháp (IFRI) nhận định trên báo này rằng, sức mạnh gia tăng của Trung Quốc khiến Nhật Bản trở nên gần gũi hơn với một số nước, trong đó có Mỹ, để phát triển một số chiến lược ngăn chặn Trung Quốc.

Trong khi đó, nhận định về khả năng xung đột trong các vấn đề tranh chấp biển đảo ở khu vực Đông Bắc Á và trên Biển Đông, Giáo sư Ian Townsend - Gault thuộc khoa Luật, Đại học British Colombia trong một cuộc trả lời phỏng vấn của NTNN nhận định, có thể sẽ có những cuộc đối đầu ở các điểm nóng, nhưng sẽ không thể biến điều đó thành xung đột, bởi thế giới này là đa cực và “không phải cứ chuyện của hai nước thì hai nước muốn làm gì thì làm”. Giáo sư Ian Townsend – Gault cho rằng, sẽ có những ràng buộc từ các nước bên ngoài khu vực, đặc biệt là sự chú trọng của Mỹ đối với an ninh hàng hải và luật pháp quốc tế, nên các bên liên quan cũng sẽ thận trọng trong quyết định của mình.

Chuyên gia Montbrial cũng nhận định, dù Mỹ có phản đối những động thái của Trung Quốc ở biển Hoa Đông, hay ủng hộ quan điểm của Nhật Bản thì đây cũng không phải là chiến tranh lạnh, vì Mỹ cần một Trung Quốc “mạnh về kinh tế” và phía Trung Quốc cũng muốn yên ổn trong hai - ba thập niên nữa.

Kinh tế khởi sắc

Trong khi những xung đột chính trị, tranh chấp lãnh thổ chưa tìm được nút thắt để giải quyết vấn đề, thì người dân thế giới tìm đến với giấc mơ về một nền kinh tế vững mạnh để hướng về phía trước. Mặc dù tỷ lệ thất nghiệp vẫn còn ở mức cao, tình trạng khủng hoảng nợ nần của châu Âu còn lâu mới chấm dứt và nền kinh tế Trung Quốc tiếp tục tăng trưởng chậm lại, nhưng giới chuyên gia vẫn lạc quan về một nền kinh tế vững mạnh trong năm 2014.

Căng thẳng xã hội leo thang tại Trung Đông và Bắc Phi cùng với gia tăng cách biệt trong thu nhập sẽ là hai xu hướng đứng đầu trong danh sách dự báo 10 xu hướng nổi bật của thế giới trong năm 2014, do các chuyên gia của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) thực hiện.

Vào những thời khắc cuối cùng của năm 2013, số người đi tìm việc tăng lên ở Mỹ, nền kinh tế tăng trưởng ở mức nhanh nhất trong 2 năm và Quốc hội đã phê chuẩn một ngân sách mới - xóa bỏ nguy cơ chính phủ phải đóng cửa một lần nữa. Bên kia Thái Bình Dương, nền kinh tế Trung Quốc đã chậm lại sau nhiều thập niên tăng trưởng ở mức 2 con số. Nhưng ngay cả với triển vọng tương đối khiêm tốn là tăng trưởng ở mức 7%, chuyên gia kinh tế Uri Dadush vẫn nhận định rằng, Trung Quốc sẽ tiếp tục có ảnh hưởng mạnh về kinh tế trong khu vực: “Trung Quốc sẽ đi chậm hơn một chút trong 1 năm hay 2 năm tới, nhưng vẫn đủ mạnh để gây ảnh hưởng”.

Ông Pinfan Hong - người đứng đầu nhóm công tác theo dõi kinh tế toàn cầu tại Liên Hợp Quốc dự báo: “Chúng tôi trông đợi nền kinh tế thế giới sẽ tăng trưởng khoảng 3% trong năm 2014”. Ngoài ra, cũng có dấu hiệu tốt cho châu Phi trong năm 2014. Sau khi đạt tăng trưởng 4,8% trong năm 2013, Ngân hàng Phát triển Phi châu dự kiến sẽ tăng lên 5,3%, nhờ tăng trưởng mạnh trong khu vực dịch vụ và hoạt động gia tăng trong các ngành mỏ và nông nghiệp.