Thơ gửi vào lòng đấtCực Lạc Thái Bình nằm ở xã Bàu Năng, huyện Dương Minh Châu, tỉnh Tây Ninh. Khác xa với tưởng tượng của chúng tôi về một khu chôn cất nhuốm đầy màu sắc tâm linh và u uất, “nghĩa địa thơ” lại hiện ra khá khang trang và quang đãng. Đây vốn là nơi yên nghỉ của người theo đạo Cao Đài, hay người thân của những đạo hữu này.
Lối vào Cực Lạc Thái Bình
Cực Lạc Thái Bình là một khu đất rộng bạt ngàn với hàng ngàn ngôi mộ và hầu như tất cả bia mộ đều được đề thơ. Thơ ở đây đa phần mang tâm trạng não sầu, thê lương của những người con nhớ mẹ, vợ tiễn chồng, của anh em, bạn bè khóc người bạc phận,…
Nhưng đâu đó cũng có những bài thơ tuy ai oán nhưng bật lên khẩu khí hơn người, như một bài tứ tuyệt của một người vợ khóc chồng: “Một giấc nam kha mộng bất thành/Tam tùng không vẹn nợ ba sanh/Ngàn năm vĩnh biệt, danh còn đó/Muôn thuở đau lòng khách hùng anh”. Và còn có những bài thơ do chính người đã nằm yên dưới mộ sáng tác lúc còn tại thế.
Đến Cực Lạc Thái Bình đọc thơ, mới hiểu được không nỗi tuyệt vọng nào đau đớn và rõ rệt như nỗi sinh ly tử biệt. Tử là tận, nên thơ ở đây, không phân hay dở, không chia kẻ sang hèn… chỉ độc một màu tiếc thương, ai oán.
Người dân ở Dương Minh Châu hầu như ai cũng biết về khu nghĩa trang độc nhất vô nhị Cực Lạc Thái Bình. Nhưng nguồn gốc của việc đề thơ trên bia mộ thì không phải ai cũng biết rõ.
Chúng tôi gặp ông Phạm Văn Lộc, người có thâm niên hơn 40 năm làm quản trang tại Cực Lạc Thái Bình. Ông Lộc kể rằng, nguồn gốc của việc đề thơ ông cũng chỉ nghe từ lời các cao niên lưu truyền lại. Theo đó, nghĩa trang này có từ khoảng đầu thế kỷ XX.
Một bài thơ em gái đề tặng chị tại “nghĩa địa thơ”
Thuở ấy, vùng đất này vốn dĩ hoang sơ, chỉ toàn cỏ cây rậm rạp và quanh đó là một vài ngôi mả mồ côi, không bia mộ. Sau đó, dân cư dần đông đúc người ta nghiễm nhiên coi khu này là nghĩa địa. Sau, khu nghĩa địa này được Nhà nước quy hoạch, lấy tên là Cực Lạc Thái Bình. Ngôi mộ đầu tiên được đề thơ là của một lão đạo hữu Cao Đài. Tương truyền lúc sinh thời ông này yêu văn thơ, rất hay làm thơ, viết chữ. Nên khi ông mất đi, con cháu mới khắc lên bia mộ của ông một bài thơ do chính ông sáng tác.
Ông Phạm Văn Lộc hắng giọng kể tiếp: “Còn câu chuyện này nữa, không biết có thật không nhưng ông bà kể lại như vầy, sau khi ông đạo mất chừng mấy bữa thì trong làng lại có đám tang. Lần này là của một anh nông dân vì nghi vợ ngoại tình, uất quá nên tự tử. Ngày đám ma, dù người vợ có khóc lóc kêu oan cỡ nào, gia đình chồng cũng không cho cô để tang chồng. Chờ gia đình chồng chôn cất xong xuôi, người vợ liền thuê người khắc hai câu ca dao khóc thương phận mình trên bia mộ của chồng. Hai câu đó là: “Gió đưa cây cải về trời/Rau răm ở lại chịu đời đắng cay”.
Hay nổi tiếng hơn là một câu chuyện tình thê lương giữa một chàng trai mang chí lớn và cô thôn nữ nghèo. Vì gia cảnh cả hai bên quá khó khăn, nên chàng trai đành từ biệt cô gái, quyết ra đi tìm kiếm công danh sự nghiệp để sau này ngày cưới được rỡ ràng. Nào ngờ khi chàng giàu sang sung túc trở về thì người yêu do thương nhớ, buồn tủi mà héo hon rồi lâm trọng bệnh mà qua đời.
Quá đau buồn, chàng trai liền khắc lên mộ chí mấy câu: “Một mảnh hồng nhan gió bụi vùi /Đường tiên lỡ bước chạnh thương người /Trăm năm âu cũng duyên tiền định/Kiếp khác tìm nhau bắt nhịp cầu”. Ông Phạm Văn Lộc ngâm xong mấy câu thơ rồi tiếp: “Những đạo hữu Cao Đài khác thấy việc đề thơ trên bia mộ quả là việc làm có ý nghĩa nên cũng học theo, và “nghĩa địa thơ” tồn tại từ đó cho đến giờ”.
Khu cổ mộ đầy rêu phong.
Trong văn phòng ban quản lý Cực Lạc Thái Bình còn có một tập thơ mẫu đầy đủ tất cả các thể loại như con khóc cha, vợ khóc chồng, bạn bè khóc nhau... Tập thơ hiện có hơn 1.000 bài, do sưu tầm trên báo, hay do các bậc cao niên và người yêu thi phú làm thơ… “ủng hộ”. Khi có tang sự, ban quản lý sẽ sẵn lòng cho thân nhân mượn tập thơ để chọn bài, tất nhiên, miễn phí. Ông Lộc nói thêm: “Còn nếu không thích thơ mẫu, thân nhân có thể tự khắc thơ của mình. Miễn là thơ ấy phù hợp với thuần phong mỹ tục, hợp đời, hợp đạo… là được”.
Cứ như thế, gần 100 năm qua hàng ngàn ngôi mộ tại Cực Lạc Thái Bình đều được đề thơ. Mỗi bia mộ lại là một trang thơ với những hoàn cảnh tiễn đưa khác nhau, nhưng tựu trung đều là nỗi niềm sinh ly tử biệt của người còn sống muốn gửi chút tưởng thương vào lòng đất.
Triết lý tốt đời, đẹp đạoÔng Bùi Bạch Mai, cùng là quản trang tại Cực Lạc Thái Bình, cho biết nghĩa địa được kiến tạo từ năm 1928. Nhưng cho đến năm 1972 mới được quy hoạch cụ thể với tổng diện tích 58ha, do Tòa thánh đạo Cao Đài quản lý.
Cực Lạc Thái bình có 2 khu, một khu toàn là cổ mộ đầy rêu phong với nhiều kích cỡ và kiểu dáng khác nhau, còn một khu là dãy mộ mới khang trang và đồng nhất về kiểu dáng. Ông Mai giải thích, do trước kia chưa quy hoạch, người dân muốn chôn ở đâu cũng được khiến các ngôi mộ cách xa nhau gây tốn quỹ đất. Ngoài ra, còn có việc người giàu thì làm mộ khang trang, hoành tráng, còn kẻ nghèo không có tiền chỉ làm được mộ đơn sơ.
Ông Mai nói thêm: “Lúc còn sống thì tùy theo hoàn cảnh, chức vụ, phần số
mà kẻ được ở nhà cao cửa rộng, người lại phải ở nhà tranh vách đất.
Nhưng khi trở về với cát bụi, ai cũng như ai, đều đã trọn một kiếp
người. Nghĩa tử là nghĩa tận, quy định chung về kiểu dáng, kích cỡ mộ,
để tránh tình trạng kẻ cậy quyền cao chức trọng, giàu có mà làm mộ to,
hào nhoáng.
Rồi cứ thế, người sau lại muốn làm mộ to hơn, cao
hơn mồ mả trước đó, dẫn đến việc chạy đua xây cất mộ, gây lãng phí, làm
tủi thân những người có hoàn cảnh khó khăn hơn. Nhưng hơn hết là ảnh
hưởng đến sự an bình của Cực Lạc Thái Bình”. Hiện, mỗi ngôi mộ của đạo
hữu Cao Đài được quy định diện tích là 1,2 x 2,4m, khoảng cách giữa các
ngôi mộ là 40cm. Và tùy theo chức sắc, hạng phẩm lúc sinh thời của người
quá cố được quy định trong đạo Cao Đài, mà bia mộ được trang trí hoa
văn, phong cảnh khác nhau.
Những ngôi mộ "bình đẳng" cho mọi người ở Cực Lạc Thái Bình.
Ở Cực Lạc Thái Bình, còn có một đội chuyên đục khắc thơ lên bia mộ. Và tùy theo bài thơ dài ngắn mà giá cả khác nhau. Thông thường là từ 100 – 200 ngàn đồng, nếu đặt lấy liền và thêm yêu cầu khác thì giá đội lên thêm chút đỉnh. Ông Phạm Văn Lộc cho rằng, tuy cũng chỉ là việc mưu sinh, nhưng những người thợ đẽo bia ở đây luôn hết lòng vì câu “nghĩa tử là nghĩa tận”, góp một phần làm yên lòng người đã khuất.
Cũng theo ông Phạm Văn Lộc, thì cách đây khoảng chục năm, do quản lý chưa chặt chẽ, tại Cực Lạc Thái Bình đã xảy ra nạn “đào mồ cuốc mả”, thu lợi bất chính của những người làm trong ban quản lý nghĩa địa. Họ lợi dụng tang gia bối rối và quyền chức để ra giá, thậm chí dám “đào mồ” những nơi được cho là “đẹp”, là “hợp phong thủy” để dành cho những tang gia có nhiều tiền của hơn. Ông Bùi Bạch Mai cho biết thêm: “Nay những điều trái khoáy đó đã được dẹp bỏ. Đất của Cực Lạc Thái Bình do Tòa thánh Cao Đài quản lý và chủ trương là cấp miễn phí cho các đạo hữu khi có tang sự, chứ không hề bán để thu lợi nhuận. Chỉ cần xây cất theo đúng quy định của Cực Lạc Thái Bình là được”.
Ngay cả việc quản trang, cũng là do các đạo hữu Cao Đài tự nguyện gắn bó, chứ không hề được hưởng lương. Được biết, mỗi mộ phần ở đây được xây cất với giá từ 2 - 5 triệu đồng, tùy theo vật liệu xây dựng và cách trang trí. Nhiều trường hợp gia cảnh đạo hữu quá khó khăn, những người quản trang và thân hữu còn hỗ trợ mộ bia, góp một phần công xây cất. Ông Phạm Văn Lộc tâm sự: “Đã là đạo giáo thì đạo nào cũng hướng con người đến những điều tốt đẹp, biết yêu thương nhau. Và việc chúng tôi làm cũng chỉ mong được “tốt đời đẹp đạo”. Nhưng hơn hết, vẫn là giữ sự trong sáng, yên lành cho nơi yên nghỉ của hàng ngàn vong linh đạo hữu, để xứng với cái tên Cực Lạc Thái Bình”.
Trời đã về chiều, chúng tôi xin phép ra về với một mối hoài cảm sâu sắc về nơi được gọi là Cực Lạc Thái Bình. Nơi người giàu cũng như người nghèo được bình đẳng yên nghỉ dưới ba tấc đất. Và tang gia không phải lo toan việc “xí phần” để dành xây dựng mồ to, hoành tráng hơn nhà này nhà khác khi có người thân nằm xuống. Cực Lạc Thái Bình cũng như cái tên của nó, là chốn bình đẳng, an lạc, yên lành, của hàng vạn vong linh cùng thi từ ca phú, đậm đà tình nghĩa.