Đó là ý kiến của ông Nguyễn Duy Khiên - Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Mỹ (Bộ Công Thương).
Ông Nguyễn Duy Khiên
Ông đánh giá như thế nào về cơ hội XK nông sản, trái cây của Việt Nam sang Mỹ, đặc biệt là khi TPP (Hiệp định đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương) có thể được ký kết cuối năm nay?- Hiện nay, nhiều mặt hàng nông sản của Việt Nam XK sang Mỹ đã có mức thuế 0% như cà phê, thủy hải sản, tôm cá, rau củ, trái cây... nên việc ký TPP có thể nói chỉ là tạo thêm sự bền vững cho XK các mặt hàng nông thủy sản của Việt Nam sang Mỹ mà thôi.
Việt Nam là một trong 15 quốc gia XK nông sản nhiều nhất vào thị trường Mỹ. Nông sản của ta như hạt điều, cà phê, thủy sản (tôm, cá tra), hồ tiêu, cao su, đồ gỗ chế biến và nhiều mặt hàng trái cây đã được chấp thuận vào thị trường Mỹ sau khi đảm bảo các yêu cầu về an toàn vệ sinh thực phẩm.
Riêng về trái cây, sau thanh long, chôm chôm gần đây có vải, măng cụt, hồng xiêm, vú sữa, xoài, chuối, mãng cầu, đu đủ... của Việt Nam cũng được đánh giá là những sản phẩm XK có triển vọng lớn đối với thị trường Mỹ. Nhiều mặt hàng rau tươi và hoa quả sấy khô của ta đã thâm nhập được vào thị trường Mỹ. Không chỉ rau, các sản phẩm như khoai lang, củ hành, tỏi, nghệ, gừng, củ từ... cũng đang được người Mỹ ưa chuộng.
Mỹ cũng vừa công bố sẽ sớm xem xét để cho một số loại trái cây nhiệt đới của Việt Nam như nhãn, vải, vú sữa, xoài được xuất vào Mỹ. Điều này có ý nghĩa như thế nào, thưa ông?- Tôi cho là rất tốt. Bởi Mỹ đang phải nhập 50% lượng rau trái tươi cho nhu cầu trong nước. Trung bình mỗi năm, Mỹ tiêu thụ khoảng 14-15 triệu tấn trái cây tươi, chủ yếu là cam, nho, táo, chuối, khóm (dứa)...
Đến nay, Mỹ đã tạo điều kiện cho ta xuất sang thanh long, chôm chôm và còn xem xét nhập vải thiều, nhãn, vú sữa... Ngược lại, Việt Nam cũng xem xét cho Mỹ XK một số sản phẩm nông nghiệp sang thị trường Việt Nam. Các sản phẩm nông sản XK của hai nước có thể nói có tính bổ trợ cho nhau, chứ không mâu thuẫn.
Nhưng dù vậy, Việt Nam XK trái cây vào Mỹ đến nay vẫn còn rất hạn chế. Tại sao vậy, thưa ông?- Nguyên nhân chính là do chúng ta chưa có vùng trồng chuyên canh đủ lớn đáp ứng được nhu cầu XK. Hiện mới chỉ có thanh long có quy mô sản xuất công nghiệp, còn lại nhãn, vải chỉ sản xuất nhỏ tại Hải Dương, Hưng Yên. Một số loại quả của ta còn đang ở tình trạng thích thì trồng, không lại phá, như vậy rất khó có hàng hóa để đáp ứng cho XK.
Chưa kể, trái cây, rau quả hay những mặt hàng nông sản của ta khi XK đều vướng vào quy định an toàn vệ sinh thực phẩm. Trái cây Việt Nam thường bị nhiễm khuẩn, những mặt hàng nông sản khác lại có hàm lượng vi sinh vượt mức cho phép, thủy sản lại có dư lượng kháng sinh cao...
Vậy giải pháp nào để có thể đẩy mạnh XK các sản phẩm nông sản nói chung và trái cây nói riêng vào thị trường Mỹ?
- Mỹ không phải thị trường cao cấp, trái lại rất dễ tiêu thụ. Nhưng vấn đề quan trọng nhất khi XK vào thị trường này là cần phải giữ ổn định thị trường: Thứ nhất phải ổn định về khối lượng hàng, thứ hai phải ổn định về chất lượng, thứ ba phải ổn định về thời gian giao hàng.
Trái cây Việt Nam cần phải tuân thủ nghiêm ngặt nguyên tắc về vệ sinh an toàn thực phẩm, hạn chế tối đa dư lượng kháng sinh thừa trong hàng hóa, không sử dụng chất bảo quản thực phẩm bị cấm.
Vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm được Mỹ liệt vào danh mục hàng đầu. Mỹ luôn đặt ra tiêu chuẩn kiểm dịch thực vật khắt khe, bắt buộc phải xử lý chiếu xạ cho trái cây nhiệt đới. Người tiêu dùng quan tâm về vệ sinh an toàn thực phẩm nên sẽ gia tăng nhu cầu các sản phẩm hữu cơ.
Cuối cùng tôi cho rằng, các doanh nghiệp Việt Nam cũng cần nâng cao năng lực cạnh tranh, hiểu biết về thị trường, đầu tư đổi mới công nghệ để đảm bảo được yêu cầu chất lượng của phía Mỹ.
Xin cảm ơn ông!