Dân Việt

Chuyện lạ về "người hót phân trâu cuối cùng" ở Thái Bình

NNVN 19/03/2014 16:57 GMT+7
Cái đuôi con trâu vừa cong lên, cái bụng nó vừa thót lại, cái chân vừa chạng ra đã có vài con mắt hau háu trực sẵn. Và ngay khi bãi phân còn đang nóng hôi hổi, lập tức đã được hót đi ngay.
HTX Tân Phong (Việt Hùng, Vũ Thư, Thái Bình) là đơn vị đầu tiên của miền Bắc đạt 5 tấn/ha. Đã có một thời phong trào ủ phân xanh, làm bèo hoa dâu, gánh bùn cải tạo đồng ruộng, cấy ngửa tay... cuốn hút từng hộ, từng xã viên lao động.

Đã có thời “Năm tấn thóc để góp phần đánh Mỹ. Ruộng đất quê ta không muốn nghỉ lấy một ngày. Đất với người cùng một dòng suy nghĩ…" không chỉ là tiếng hát, lời ca. Song tiếng tăm không làm người ta no cái bụng.

Cơ chế đánh kẻng, chấm công kiểu hợp tác dần bộc lộ nguyên hình các khuyết điểm khiến người nông dân trở nên nhạt lòng với đất.

Khoán 100 rồi khoán 10 tràn về, tình yêu đất đã trở lại với nhà nông. Người ta suốt ngày trên đồng, khi thì be cái bờ cho thật đẹp, lúc cào đất cho thật nhừ, bận nhặt từng cọng cỏ cho ruộng sạch, dịp tát nước, bắt sâu.

Không có việc gì nhà nông vẫn cứ ra đồng, ra để mà ngắm xem cây lúa lớn từng ngày, xem bông lúa biến đổi từng lúc. Ai mà được kháo rằng năng suất ruộng của nhà là nhất hạng, hơn hộ khác dăm ba cân thóc một sào, mũi cứ gọi là nở tưng bừng.

Chăm cho cây lúa, người ta tranh nhau đi từ tờ mờ sáng hót phân trâu và hình thành nên cả một “nghề độc” rất thịnh vào thủa ấy. Đồ nghề nào có gì nhiều nhặn, chỉ đôi quang giành bên dưới có lót ít tro bếp cùng hai cái que tre được đẽo cong cong.

Xuất thân từ Chủ nhiệm HTX, Phó Chủ tịch xã Việt Hùng, anh Phan Văn Ban thấm thía hơn ai hết nỗi chán ruộng của người nông dân. Cũng vẫn đồng đất ấy, con người ấy nhưng để cho nông dân quay trở lại với ruộng đồng, theo anh:

“Đất ít quá, giờ chỉ còn mỗi cách là cho mua bán, trao đổi, tích tụ ruộng đất mới mong người nông dân trở lại yêu quý ruộng đồng”.

Người hót phải đi trước khi thả trâu ra đồng buổi sớm, trực sẵn trên các đường làng. Cái đuôi trâu vừa cong lên, cái bụng trâu vừa thót lại, cái chân trâu vừa chạng chạng ra đã có vài con mắt hau háu chầu sẵn. Bãi phân còn đang nóng hôi hổi, bốc khói nghi ngút đã được hứng, hót vào sọt.

Làng nào khi đó cũng có dăm ba người đi hót phân chuyên nghiệp, số không chuyên thì đếm không xuể. Người đi trên đường thấy bãi phân trâu mà không có gì hứng chẳng quản ngại bẩn sạch thò tay bốc hoặc bẻ một cái cành cây cắm lên chốc đánh dấu chủ quyền. Hễ ai đụng vào là xỉa xói, là rầy rà, là to chuyện ngay. Một sào ruộng phải bón đủ ba bốn tạ phân chuồng mới tốt.

Tất cả nguồn lực tập trung cho đất, tất cả tình yêu dồn dành cho đất. Nghề hót phân trâu ở miền Bắc giờ đã tuyệt chủng, người hót phân cuối cùng trên quê hương năm tấn là ông Đỗ Văn Nguyên làng Mỹ Bổng xã Việt Hùng.

Ông lão năm nay đã 73 tuổi: “Buổi sáng trâu đói thót bụng ra cũng chỉ được bãi phân bằng cái rế rọ (rế lót nồi nhỏ), buổi tối khi ăn no bãi phân trâu bằng cái rế to. Bãi phân càng to thì người hót càng vui chú ạ”.

Hồi đó ở thành phố thịnh hành kiểu hố xí hai ngăn, hố xí hầm thế nên có lắm chuyện cười ra nước mắt với cánh hót phân. Phía trên nhà xí người còn đang vò giấy sột soạt bỗng giật thót mình bởi lấp ló cái đầu gáo múc phân ở dưới lỗ. Vì thối, vì bẩn nên cánh vệ sinh đô thị cấm tiệt đội hót phân.

Lấy vợ rồi sinh sòn sòn một đàn con năm đứa, gia cảnh gieo neo lại càng gieo neo thêm. Vì kế sinh nhai, ông bà phải theo nghề hót phân trâu rồi tiến thêm một bước nữa là hót… phân người.

Đói đầu gối phải bò, cấm ngày thì làm đêm. Ông bà Nguyên rời làng khi mới nhọ mặt người, cứ men theo đê sông Hồng mà đi bộ hơn mười cây số lên thành phố Nam Định (tỉnh Nam Định). Tảng sáng, gánh phân đầy ông bà lại oằn vai về, vừa đi vừa gặm cái “bánh mì Ba Lan” mỏng như cái lưỡi mèo, hôi xì mùi bột mốc.

Thế nhưng niềm vui lắm khi ngắn chẳng tày gang, bất thình lình đội vệ sinh đô thị xuất hiện, gánh phân bị trút lên xe thùng, cái đòn gánh bị chém gãy làm đôi thì cứ việc chảy nước mắt tần ngần tiếc.

img
Ông Đỗ Văn Nguyên

Hót phân hợp nhất là vào mùa khô nhưng bởi hót phân chuyên nghiệp nên hầu như ông bà chẳng chịu cho đôi vai nghỉ ngày nào. Lắm buổi mưa dầm, đường đê trơn như đổ mỡ lợn, bấm móng chân đi bằng cả năm ngón mà gánh phân vẫn chực đổ ụp, đổ nghiêng.

Bà chửa đứa con gái út, bụng lùm lùm như cái thúng vẫn còng lưng với đôi sọt, cái que tre. Lúc đẻ con ở trạm xá, gánh phân mới lấy vẫn còn dựng ở góc vườn nhà. Cũng chính vì nghề hót phân mà một số người thấy bà xỏ xiên: “Một gánh phân cả nhà ăn đủ chị nhẩy?” bà cũng vui miệng mà thưa rằng: “Vâng chỉ một gánh là nhà em no”.

Phân ấy phần để bán (mỗi gánh đổi ngang ba bơ gạo) phần để nhà dùng. Lắm hôm tháng ba ngày tám, người làng vác rá đi vay vài bơ mày ngô về cho vào cối giã nhai trệu trạo như nhá cám nhưng nhà bà ít khi phải vay mượn.

Cách mà người nông dân sử dụng phân chuồng như sau: Họ đổ phân vào chuồng để cho lợn dẵm nát nhuyễn rồi nhà khó thì đào một cái hố đáy đập cho thật phẳng rồi ủ còn nhà có điều kiện xây hẳn cái hố ủ bằng gạch. Sáu tháng sau, chờ phân thật ngấu, nông dân mới đem ra ruộng quãi.

Qua thúng phân chuồng người ta biết được ai nhà giàu ai nhà nghèo. Thúng chỉ có mỗi phân trâu ủ với cây xanh cứ mủn ra như trấu mục, không có mùi đích thị là nhà nghèo còn nhà giàu ngoài phân trâu còn đấu cả phân lợn, nước đái lợn nên độ kết dính tốt, mùi cũng nặng hơn.

Chả thế mà vừa oằn lệch người cắp thúng phân đi quãi bà con còn không quên khoe nhau: “Ấy, bác xem phân nhà em ủ tốt chưa này, thối chưa này”.

Thời buổi phân hóa học ê hề, nghề hót phân dần vắng bóng. Khi đứa út nhà ông Nguyên biết đội đá cho đội xây cầu Tân Đệ thì bà mới thôi nghề. Được cái ba đứa con trai của ông bà đều có ba dinh cơ mái bằng do tự tay chúng xây dựng nên hệt như cha mẹ chúng khi xưa, chỉ với đôi quang giành, cái gắp tre mà chèo lái kiếm sống.

Giờ hạt thóc không còn là niềm tự hào, cót thóc đầy hay vơi không còn là niềm vinh hạnh, người nông dân trở nên thờ ơ với cây lúa. Bờ cõi xiêu vẹo mặc kệ, cỏ bờ, cỏ ruộng lồm xồm mặc kệ, năng suất cũng kệ nốt. Đến khi sâu bệnh dề dề, cán bộ BVTV đến tận nhà giục phun thuốc họ cũng trề môi: “Dào ôi, được bông nào hay bông ấy chứ trông mong gì hả chú?”.

Hạch toán chi li ra, mỗi sào lúa nếu tự làm được lãi khoảng 50.000 - 100.000đ (lãi mồ hôi, nước mắt), còn nếu phải thuê nhiều công đoạn như cấy, gặt thì lỗ nặng, lỗ cả vật chất lẫn niềm tin. Trước trung bình một vụ người nông dân ra đồng từ 10 - 15 ngày nay chỉ có ngày cấy, ngày gặt, ngày bón phân, ngày phun thuốc là còn thấy bóng.