Dân Việt

Mỹ muốn gì trong cuộc hội đàm với Nga về Syria?

Hạ Anh (tổng hợp) 13/09/2013 09:00 GMT+7
Tối 12.9, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry và Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã bước vào hội đàm quan trọng về vũ khí hóa học của Syria tại Geneva, song đã xuất hiện những bất đồng ngay từ phút đầu.
Trong thành phần hai phái đoàn Nga, Mỹ đều có các chuyên gia quân sự, để xác định một kế hoạch “chính xác, thực tế và cụ thể”. Trước khi vào phòng họp, Ngoại trưởng Mỹ Kerry nói rằng, ông hy vọng ngoại giao có thể giúp tránh được một cuộc không kích của Mỹ tại Syria vì chính phủ nước này bị xem là đã sử dụng vũ khí hóa học tháng trước tại Damascus. Ông nói rằng mặc dù Nga và Mỹ chưa nhất trí ai phải chịu trách nhiệm đã sử dụng vũ khí hóa học, nhưng “có nhiều điều hai bên đã nhất trí”, ví dụ như đã có thường dân thiệt mạng và vũ khí hóa học là một mối nguy. Ông Kerry cho rằng, hãy còn quá sớm để có thể nói giải pháp ngoại giao có thành công hay không nhưng Mỹ hết sức nghiêm túc trong vấn đề này.
img

Ông Kerry nhấn mạnh lập trường của Mỹ là có thể phải dùng vũ lực với Syria nếu con đường ngoại giao không thể vô hiệu hóa kho vũ khí hóa học của Tổng thống Bashar al-Assad. Ông cũng bác bỏ đề nghị của Chính phủ Syria về giới hạn 30 ngày để cung cấp thông tin kho vũ khí hóa học, một phần trong nỗ lực gia nhập Hiệp ước cấm vũ khí hóa học.
Về phần mình, Ngoại trưởng Nga Lavrov nói ông tin là Mỹ muốn đạt một sự đồng thuận với Nga trong vấn đề Syria. Ông Lavrov nói rõ rằng Nga muốn Mỹ hủy bỏ đe dọa quân sự vào thời điểm hiện tại. Ông Lavrov cũng xác nhận Syria đã chính thức chuyển giao văn kiện gia nhập Tổ chức Cấm vũ khí hóa học.
Nhiệm vụ của ông Kerry tại Geneva là thương thảo một lịch trình, để Mỹ không bị lôi kéo vào các cuộc thương lượng triền miên, giúp cho chính quyền Damas có thêm thời gian. Bộ Ngoại giao Mỹ nêu ra 3 giai đoạn: Xác định vị trí các kho chứa vũ khí hóa học và bảo đảm an toàn cho các địa điểm này, đặt dưới sự kiểm soát quốc tế hệ thống này và sau đó là tiêu hủy các vũ khí.
Trong khi đó, hiện Nga đã đề xuất 4 bước để Chính phủ Syria thực hiện giao nộp các vũ khí hóa học gồm: Syria gia nhập Tổ chức cấm vũ khí hóa học (OPCW); Công bố vị trí của các kho vũ khí hóa học và nguồn gốc xuất xứ của chúng; Cho phép các thanh sát viên OPCW tới Syria kiểm chứng; Hợp tác với các thanh sát viên về cách thức tiêu hủy vũ khí hóa học.
Theo dự đoán, các cuộc thảo luận chắc chắn sẽ kéo dài trong nhiều ngày, bởi vì, cho dù các bên đều đồng ý phải làm việc này, thế nhưng, còn cần phải triển khai một kế hoạch cụ thể và mang tính ràng buộc đối với Damas, trong lúc Nga vẫn bác bỏ việc sử dụng vũ lực chống lại chính quyền của Tổng thống Bachar al Assad.
Cho đến lúc này, bất đồng giữa Nga và Mỹ liên quan đến mối đe dọa can thiệp quân sự mà Mỹ vẫn luôn luôn cảnh báo là sẽ hành động nếu các cuộc đàm phán thất bại.