Tôi cũng có một may mắn là được nhiều lần tháp tùng các vị Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam như Nguyễn Văn Chính, Nguyễn Đức Triều đi công tác.
Chú Chín Cần quyết liệtKhi tôi về, Báo vẫn còn mang tên là Nông Dân Việt Nam, cơ ngơi còn nghèo nàn, tòa soạn cả trong Nam lẫn ngoài Bắc cũng chỉ có chừng hai chục người, phương tiện làm việc còn rất thô sơ. Cực nhất là các anh chị họa sĩ làm trang. Mỗi lần dàn trang, thôi thì cứ trải chiếu ra sàn nhà và “chổng mông” đếm chữ, rồi lấy thước kẻ đo cho vừa khuôn hình áp vào các mục của trang market báo. Cánh phóng viên như tôi thì sướng hơn nhiều, được lang thang đây đó. Trong số các anh chị em phóng viên, biên tập viên nghèo thuở ấy thì tôi được coi là “đại gia”. Về tòa soạn, tôi đem theo bên mình chiếc máy ảnh Zenit của Liên xô và một máy quay video M-7. Sau này máy ảnh được nâng cấp lên Pratica của CHDC Đức và chiếc máy quay M-10, thời ấy như vậy là oách lắm.
Ông Nguyễn Đức Triều - nguyên Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam đến thăm nhà báo Minh Quang khi anh phải nằm viện.
Một buổi sáng, tôi vừa tới sân tòa soạn thì được chị Võ Thị Mai Nhung- Trưởng ban Biên tập (sau này là Tổng Biên tập) cho gọi lên gặp, giao nhiệm vụ tháp tùng Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam Nguyễn Văn Chính (mà chúng tôi hay gọi với cái tên trìu mến là chú Chín Cần) đi công tác. Chị nói nhiều về tầm quan trọng của chuyến đi, trao đổi với tôi từng ly từng tý về cách ứng xử các tình huống; chụp hình thế nào, quay phim ra sao. Tôi có nhiệm vụ là viết tin, bài, chụp hình cho báo nhà và ghi hình (quay video) để phát trên Đài Truyền hình Việt Nam.
Trong những lần được tháp tùng chú Chín, tôi nhận ra rằng ông là nhà lãnh đạo chân thành, cởi mở, nhưng không kém phần quyết liệt và đặc biệt là rất dễ gần. Vì vậy cấp dưới nể phục và bà con nông dân đặc biệt yêu quý. Ông không nề hà bất cứ việc gì, đi bất cứ đâu, trèo đèo lội suối, miễn sao việc đó mang lại lợi ích cho người nông dân. Tôi còn nhớ trong một lần đi công tác Tây Bắc, mưa lũ, ô tô không đi được, ông dẫn chúng tôi trèo đèo, vượt suối cả chục cây số. Ấy vậy mà tới nơi, ông yêu cầu được làm việc luôn, có hôm họp từ sáng tới chiều tối, nghỉ ăn tối xong lại họp tiếp cho tới 10 giờ đêm. Kết quả của những chuyến làm việc như vậy đã cho ra đời không ít những quyết sách hữu ích cho người nông dân, chẳng hạn như “Quỹ Hỗ trợ nông dân”.
Sức khỏe khá dẻo dai như bác Nguyễn Thước (sau này là Tổng Biên tập Báo Nông Thôn Ngày Nay), bác Nguyễn Tâm (Vụ trưởng Vụ Tư tưởng-Văn hóa)... cũng phải nể phục về công suất làm việc của chú Chín Cần. Công việc bận rộn là vậy mà chú Chín luôn quan tâm và hết sức chu đáo với người khác. Một lần anh Thắng - cận vệ của chú Chín bảo tôi: “Chú hỏi anh có mệt không và dặn chúng tôi là phải động viên anh ăn khỏe vào”.
Rồi một lần tôi được lãnh đạo báo cử đi chuyến công tác xuyên Việt cùng chú Chín. 4 giờ sáng, tôi nhận điện thoại từ anh Thắng: “Minh Quang chuẩn bị xong chưa, chuyến này đi chú Chín dặn mang theo điếu cày đấy nhé. Chú biết anh thích hút thuốc lào mà!”. Lộ trình qua nhiều tỉnh… đến lưng đỉnh đèo Hải Vân, giữa cái nắng hầm hập kèm theo gió Lào, nhiệt độ ngoài trời lên tới 40 độ, đoạn đường đã đi chừng 300km, chú Chín bỗng bảo anh Thọ lái xe: “Dừng lại, ta nghỉ chút và để Minh Quang hút điếu thuốc lào”. Có lần chú Chín hỏi tôi: “Nhà Minh Quang ở đâu nhỉ, mai chú Chín đến chơi thăm vợ con” và ông đến thăm gia đình tôi thật. Chú Chín Cần - Nguyễn Văn Chính là con người như vậy.
Bác Triều - một người nhân hậuKhi ông Nguyễn Văn Chính về nghỉ hưu, ông Nguyễn Đức Triều - Ủy viên Trung ương Đảng về làm Chủ tịch Hội Nông dân, tôi lại có may mắn được chị Mai Nhung (lúc ấy là Tổng Biên tập) cử tháp tùng Chủ tịch đi công tác.
Chính sự cống hiến và tình cảm của các vị “thủ lĩnh” Hội Nông dân ấy đã tạo cho chúng tôi sức mạnh để tiếp bước trên con đường nghề nghiệp của mình!
|
Bác Triều là người hết sức nhân hậu và tình cảm. Ông trưởng thành từ người nông dân chất phác vùng quê Hải Hậu (Nam Định), kinh qua hầu như tất cả các cấp cán bộ từ xã lên đến Trung ương. Có lẽ vì vậy mà ông thấu hiểu cái cơ cực, nhọc nhằn của người nông dân hơn ai hết. Trong những nhiệm kỳ làm Chủ tịch Hội, dấu chân ông hầu như in khắp đồng ruộng Việt Nam, dấu ấn của ông đã để lại rất sâu đậm, nhiều nghị quyết, quyết sách về nông dân đã ra đời góp phần làm thay đổi diện mạo nông thôn Việt Nam. Thế nhưng trên hết, ông để lại cho bà con nông dân cái tình. Cái tình của ông gắn liền với từng bờ ruộng, với những con đê mùa lũ tưởng chừng sắp vỡ và cuốn trôi tất cả, những cơn bão làm xơ xác một vùng quê, vùng biển, một thị xã, từng con đường mà xe ô tô vừa đi qua vài mét thì hàng loạt cây đổ ngang; nơi diêm dân đổi những giọt mồ hôi lấy từng hạt muối trắng…
Những hôm đi công tác, bác Triều gái thường dậy sớm thổi cơm, khi chúng tôi đến thường vào lúc hai bác cũng chuẩn bị ăn sáng, bác Triều bảo: “Ta làm bát cơm sốt, đi đường cho chắc dạ, lại đỡ tốn kém”, và tôi vui vẻ ngồi ăn cùng. Tình cảm mộc mạc và chân thành của bác dành cho anh em phóng viên là vậy!
Hiện nay cả hai ông Chủ tịch Nguyễn Văn Chính và Nguyễn Đức Triều đều đã nghỉ hưu sau khi hoàn thành nhiệm vụ của mình. Hai năm gần đây, nghe tin chú Chín Cần mệt, tôi vào viện thăm, tuy giọng của ông rất khó nghe, nhưng khi tôi nhìn vào mắt, chú Chín vẫn nhận ra và khi tôi xin phép ra về, hai bàn tay chú Chín cứ nắm chặt tay tôi như không muốn rời. Còn bác Triều, mỗi khi có con cá tươi của bà con vùng biển Hải Hậu gửi lên biếu, bác vẫn không quên gọi tôi đến ngồi với bác.
Chính sự cống hiến và tình cảm của các vị “thủ lĩnh” Hội Nông dân ấy đã tạo cho chúng tôi sức mạnh để tiếp bước trên con đường nghề nghiệp của mình!