Dân Việt

Phát triển nông nghiệp hữu cơ: Chông chênh chỗ đứng

Ngọc Minh 27/09/2013 10:35 GMT+7
Dự án Nông nghiệp hữu cơ với sự tài trợ của Tổ chức ADDA – Đan Mạch, thực hiện tại các tỉnh, thành phố Hà Nội, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Hòa Bình, Lào Cai, Hà Tĩnh, Tuyên Quang và Bắc Giang, với các sản phẩm rau các loại, cá nước ngọt, cam sành và vải thiều.
Đến nay đã xây dựng được 88 nhóm nông dân trên 3 mô hình canh tác nông nghiệp hữu cơ với diện tích khoảng 25ha cho cây rau, cây ăn quả và nuôi cá nước ngọt.

Theo Hiệp hội Nông nghiệp hữu cơ Việt Nam, một số doanh nghiệp đã nỗ lực làm nông sản hữu cơ, như Công ty Viễn Phú – Green Farm, làm gạo sạch ở một số tỉnh vùng ĐBSCL, Công ty Hiệp Thành và ECOLINK phối hợp thực hiện xây dựng được 2 vùng sản xuất chè (trà) hữu cơ tại Tân Cương (Thái Nguyên) và Bắc Hà (Lào Cai), xuất khẩu sang châu Âu… Một số nhà sản xuất phân bón trong nước như Công ty Phân bón Bình Điền, Công ty TNHH Hữu cơ cũng đã nhanh chóng tung ra thị trường phía Nam các dòng phân hữu cơ bón cho cây ăn trái, rau, mía,…

Tuy nhiên sản xuất nông nghiệp hữu cơ ở Việt Nam vẫn còn nhỏ lẻ, manh mún và phát triển còn chậm. Theo Hiệp hội Nông nghiệp hữu cơ Việt Nam, năm 2010 cả nước có 21.000ha nông nghiệp hữu cơ. Hai năm sau diện tích cũng chỉ tăng thêm được 2.400ha, lên thành 23.400ha, chỉ bằng… 0,2% diện tích đất sản xuất nông nghiệp.

TS Nguyễn Công Thành-Viện KHKT nông nghiệp Miền Nam cho biết viện cũng đang gặp nhiều khó khăn trong việc phát triển phương thức canh tác này. “Nông dân tham gia cứ “rơi rụng” dần, vừa phát triển được vài chục ha lúa canh tác theo hữu cơ ở Tân Hiệp, Kiên Giang vụ trước thì vụ này đã nghe bà con bỏ hết vì lúa làm ra giá thành cao, không có ai mua” – TS Thành lo lắng. TS Thành cho rằng cần quan tâm đầu tư và tăng cường quảng bá hơn nữa cho phương thức sản xuất mới này. “Đặc biệt nên xã hội hóa hoạt động kiểm tra, cấp chứng chỉ như bên VietGAP, chứ hiện nay cả nước mới chỉ có duy nhất 1 đơn vị cấp chứng chỉ cho sản xuất nông nghiệp hữu cơ là còn rất hạn chế”.