Dân Việt

LHQ "lập lờ" thủ phạm dùng vũ khí hóa học ở Syria, Mỹ để ngỏ khả năng hành động

Quang Minh 18/09/2013 06:00 GMT+7
Giới truyền thông quốc tế cho rằng, việc Liên Hợp Quốc (LHQ) tránh nêu đích danh kẻ đứng sau vụ tấn công vũ khí hóa học ở Syria, như “đổ thêm dầu” vào các cuộc tranh cãi hiện nay về vũ khí hóa học ở Syria.
Mỹ, Anh và Pháp khẳng định rằng báo cáo ngày 16.9 của LHQ về vũ khí hóa học ở Syria đã quy trách nhiệm cho Chính phủ của Tổng thống Assad. Các đại sứ Anh và Mỹ tại LHQ nói rằng các chi tiết kỹ thuật cho thấy chỉ có Chính phủ Syria mới là người thực hiện cuộc tấn công ngày 21.8.

img
Thi thể các nạn nhân được cho là bị giết vì vũ khí hóa học ở Syria.

Phản ứng về báo cáo của LHQ, giới chức Mỹ cho biết, họ hoan nghênh báo cáo này. Nga thì cho rằng hiện chưa thể bác bỏ lập luận là phe nổi dậy có thể đứng đằng sau vụ tấn công bằng vũ khí hóa học nói trên. Bản báo cáo của LHQ xác nhận rốc két có chứa chất sarin đã được sử dụng để giết hại thường dân trong ngày 21.8. Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon gọi đây là “tội ác đáng ghê tởm”.

Khi được hỏi tại cuộc họp báo rằng, liệu ông có biết ai đứng đằng sau vụ tấn công này hay không, Tổng Thư ký LHQ trả lời: “Tất cả chúng ta đều có suy luận riêng của mình, nhưng những người khác sẽ quyết định phải làm gì để mang thủ phạm ra trước công lý”.

Ngày 17.9, Đại sứ quán Mỹ tại Hà Nội cũng đã phát đi tuyên bố của cố vấn an ninh quốc gia Susan E. Rice về báo cáo của LHQ nói trên. Tuyên bố viết: “Chúng tôi hoan nghênh báo cáo được công bố ngày 16.9 của phái bộ LHQ do Tổng Thư ký Ban Ki-moon thành lập để điều tra các cáo buộc về việc sử dụng vũ khí hóa học ở Syria. Báo cáo của LHQ bổ sung thêm bằng chứng cho những điều chúng ta đã kết luận – đó là sarin đã được chính quyền Syria sử dụng với quy mô lớn vào ngày 21.8 ở ngoại ô Damas. Tổ công tác LHQ thu thập được vô số bằng chứng – bao gồm cả rocket đất - đối - đất, hàng chục mẫu đất và môi trường, và các mẫu y sinh học – chúng đã được thử và có kết quả dương tính với những đặc điểm của sarin...”.

Phía Mỹ cũng cho biết, các cuộc đàm thoại vào cuối tuần vừa rồi tại Geneve đã xây dựng nên một khuôn khổ có thể dẫn đến việc loại trừ vũ khí hóa học của Syria một cách minh bạch, nhanh chóng, và có thể kiểm chứng, việc này sẽ chấm dứt mối đe dọa của những vũ khí này đối với người dân Syria, khu vực và thế giới. Mỹ sẽ tiếp tục làm việc khẩn trương với Nga, Anh, Pháp, LHQ, Tổ chức Cấm vũ khí hoá học OPCW, và các bên khác để đảm bảo rằng quá trình này có thể kiểm chứng, và sẽ có những hậu quả nếu chính quyền Assad không tuân theo khuôn khổ đã đạt được. “Và, nếu ngoại giao thất bại, Mỹ vẫn sẵn sàng hành động” - bà Rice nhấn mạnh.