Chính phủ Cuba vừa cho phép những người nông dân tự do được bán các sản phẩm của mình trực tiếp tới các khách sạn và trung tâm du lịch, để khuyến khích canh tác, giảm phụ thuộc vào nhập khẩu lương thực.
Chính sách mới sẽ có hiệu lực từ ngày 21.10 và sẽ mở ra cơ hội cho những nông dân tự do có được những khách hàng của riêng mình và có thể trực tiếp thương lượng về giá đối với các sản phẩm nông nghiệp. Chính phủ Cuba đã triển khai một loạt những điều chỉnh liên quan tới chính sách nông nghiệp kể từ cuối năm 2010 nhằm tăng hiệu quả sản xuất trong lĩnh vực này, trong đó có việc giao đất hoang cho nông dân, song thời gian đầu các nông sản của các đối tượng đó đều phải bán lại cho hệ thống thu mua của Nhà nước.
Năm 2011, các công ty nhà nước và hợp tác xã nông nghiệp đã được cho phép ký hợp đồng bán sản phẩm cho các cơ sở du lịch và khách sạn.
Hiện nay, nông nghiệp ở Cuba vẫn còn trong cuộc khủng hoảng và đất nước vẫn phụ thuộc vào nhập khẩu. Chính phủ Cuba đang dần nới lỏng sự quản lý của Nhà nước đối với hoạt động sản xuất tư nhân và thúc đẩy thị trường. Theo thống kê, mỗi năm Cuba phải nhập khẩu 60% lương thực, chủ yếu là ngũ cốc, sữa bột và thịt gà với chi phí khoảng 2 tỷ USD. Trong 5 năm qua, các loại nông sản xuất khẩu của Cuba như cà phê, xì gà, mía đường đã giảm mạnh. Nguyên nhân của việc sụt giảm này là Cuba liên tiếp hứng chịu những cơn bão lớn.
Trong khi đó, chính sách quản lý đất nông nghiệp của Cuba cũng đang gặp phải rất nhiều bất cập, ảnh hưởng đến khả năng canh tác của nông dân. Trước đây, Nhà nước sở hữu 80% diện tích đất nông nghiệp cho thuê và 70% trong số đó là cho nông dân và hợp tác xã thuê lại. 20% đất khác thuộc sở hữu của gia đình nông dân tư nhân và hợp tác xã.
Kể từ khi chính sách giao đất hoang cho nông dân tự sản xuất được thông qua năm 2008, đến nay Chính phủ Cuba đã giao được khoảng 1,5 triệu ha cho hơn 170.000 người. Dự kiến trong thời gian tới, diện tích gần 1 triệu ha đất hoang hóa còn lại sẽ tiếp tục được giao cho nông dân khai thác.