Nhưng với làng chiếu Duy Vinh (huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam), đa số những người đàn ông đều đi làm ăn xa ở các thành phố lớn như Sài Gòn, Hà Nội, hoặc xa hơn nữa là ở các biên giới, để kiếm tiền gửi về quê nghèo, nuôi con cái ăn học. Có những người đàn ông đi cả năm mới về một lần, có người đi 3, 4 năm cũng chưa về, vì phải cố gắng “cày, cuốc” kiếm tiền nơi xứ người. Bởi thu nhập từ nghề chiếu quá bấp bênh, không đủ sống để họ bám trụ lại quê hương.
Từ thị trấn Nam Phước đi về hướng đông 5km, người đi đường sẽ bắt gặp một dải đất nằm nghiêng nghiêng, xanh rì, với những nhánh sông uốn lượn ngoằn nghèo, với những cánh đồng lát trù phú, nằm san sát nhau như những chiếc thảm xanh trong câu chuyện cổ tích. Nhưng ít ai biết được rằng, đằng sau vẻ đẹp, vẻ nên thơ đó là những nỗi khó khăn, nhọc nhằn của người dân làm chiếu. Duy Vinh là xã có nhiều hộ nghèo nhất của huyện Duy Xuyên, với gần 90% hộ dân làm làm nghề dệt chiếu, và nghề nông. Được bao bọc bởi ba nhánh sông Thu Bồn, Trường Giang, Ly Ly, giao thông của xã có phần khó khăn hơn so với nơi khác.
Cặm vụi với nghề chiếu
Hai bên đường là những ngôi nhà tạm bợ, đôi phần nhếch nhác, với những chiếc chiếu sặc sỡ, được phơi từ trong nhà ra ngoài ngõ. “Làm chiếu đến còng lưng, nhưng có mấy ai giàu lên từ cái nghề này đâu. Nhưng cũng phải ráng mà giữ, bởi đây là cái nghề gắn liền với khúc ruột, với bao tâm huyết của cha ông để lại”. Một cụ già Duy Vinh nói.
Đường vào làng chiếu Bàn Thạch
Toàn xã Duy Vinh có khoảng 400 hộ dân, trong đó có hơn 350 hộ làm chiếu, mỗi ngày làng chiếu Duy Vinh cung cấp cho thị trường khoảng 10.000 đôi chiếu, và giá mỗi đôi chiếu từ 70-100.000 đồng. Nhưng đó là chuyện của mùa nắng, còn mùa mưa thì chiếu bán đổ bán tháo cũng không ai mua. Và có một điều làm nên sự khác biệt so với những làng nghề truyền thống khác, đó là hầu như làng chiếu Bàn Thạch (Duy Vinh, Duy Xuyên, Quảng Nam) toàn là phụ nữ. Từ đứa bé gái nhỏ nhất còn nằm nôi, cho đến những cụ già ngồi bậu cửa, nhai trầu bỏm bẻm đợi con, đi làm ăn xa trở về.
Một ngày về làng chiếu Bàn Thạch, mới hiểu hết những nỗi khó khăn, vất vả của từng phận người nơi đây. Những con đường làng ngoằn nghèo chạy qua thôn xóm yên tĩnh. Chỉ thỉnh thoảng nghe tiếng dệt chiếu vang lên khe khẽ, vài bóng dáng của những người phụ nữ lầm lũi bên những chiếu chiếu còn dang dở.
Cụ Lê Thị Hải (80 tuổi, trú tại thôn Vĩnh Nam, xã Duy Vinh, huyện Duy Xuyên) cho biết: “Mùa này trong thôn vắng vẻ lắm. Đàn bà vừa lo việc đồng áng, vừa dệt chiếu. Còn đàn ông thì đi làm ăn xa, với những nghề như phụ hồ, bốc vác. Cho đến khi mùa thu hoạch lát mới trở về một lần. Tôi gìa rồi không biết làm gì, chỉ biết ngồi nhà dệt vài chiếc chiếu đem ra chợ bán, để trang trải qua ngày”.
Làng vắng vẻ chỉ có bà và cháu
Dạo quanh làng chiếu Bàn Thạch một vòng, đâu đâu cũng thấy những phận người lam lũ bên khung cửi, dưới đồng ruộng. Những dáng người nhỏ bé, liêu xiêu bên khung dệt ì ạch, vài ba đứa trẻ mũi chảy lèm nhèm, thút thít gọi mẹ. Không có bàn tay của người đàn ông trong nhà đỡ đần. Đa số những người phụ nữ này vừa nuôi dạy con, vừa gánh vác mọi việc trong gia đình.
Có người làm quên giờ nghỉ trưa, vừa làm, vừa nhai vội miếng bánh, mẩu mì tôm, rồi lặng lẽ dệt chiếu. Những chiếc chiếu đổi bằng mồ hôi, nước mắt, sự mệt nhọc nhưng giá cả lại rất thấp. Bởi sự cạnh tranh của những chiếc chiếu được dệt bằng máy, với mẫu mã bắt mắt hơn, hay hàng loạt những chiếc chiếu nhựa nguồn gốc từ Trung Quốc đang tràn lan trên thị trường. Vì vậy, thu nhập của làng chiếu trở nên bấp bênh. Nhưng không vì thế, mà họ bỏ nghề cha ông để lại hàng trăm năm qua.
Chị Nguyễn Thị Lý (43tuổi, trú thôn Vĩnh Nam, xã Duy Vinh, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam) chia sẻ: “ Chồng tôi đi phụ hồ đã 3 năm trong Sài Gòn, đến tết mới về một lần. Ở đây bốn bề nước non, mưa xuống là ngập úng, nên không trồng trọt chăn nuôi gì được cả. Tôi có bốn đứa con, chúng đang tuổi ăn tuổi lớn, hai đứa học cấp hai, đứa thứ ba học mẫu giáo, đứa út năm nay 3 tuổi. Nhiều lúc lũ trẻ nhớ cha, và tôi biết chồng làm thuê xứ người cực khổ, nhưng vì để kiếm tiền nuôi đàn con, nên cũng đành “thắt lưng buộc bụng” chịu cảnh xa vợ, xa chồng. Chứ làm nghề chiếu cũng chẳng thấm vào đâu cả”.
Rời làng chiếu Bàn Thạch, những đôi mắt ngơ ngác của các cô bé cứ nhìn chúng tôi mãi. Mấy cô bé, cậu bé ăn mặc mỏng manh dưới cái lạnh tái tê của mùa đông, tay chân nhỏ xíu lấm lem bùn đất. Còn mẹ chúng thì lặng lẽ, cúi gằm những khuôn mặt héo hon bên khung dệt, với từng chiếc chiếu sặc sỡ hoa văn, đợi bàn tay người đến lấy. Nhìn những đôi mắt tròn xoe, nụ cười buốt giá của các em, chúng tôi biết rằng chúng vẫn cần lắm sự ấm áp, tình yêu thương của người bố, dẫu biết rằng bố của chúng đang tha phương cầu thực nơi xứ người xa lạ.