Dân Việt

Quản lý an toàn thực phẩm tại TP.HCM: Giải pháp... cũ mèm

Quốc Ngọc 09/08/2013 11:08 GMT+7
Thông tin thực phẩm bẩn, chứa chất cấm… nhan nhản xuất hiện thời gian gần đây khiến người tiêu dùng lo lắng.
Càng bất an hơn khi cơ quan quản lý vẫn hành động theo những phương thức cũ vốn đã không mang lại hiệu quả trong khi sức khỏe, tính mạng người dân liên tục bị đe dọa.

Ngay sau khi nghe những giải pháp “muôn thuở” của các cơ quan ban ngành liên quan tại hội nghị chuyên đề về vấn đề này do Hội đồng tư vấn khoa học kỹ thuật Ủy ban Mặt trận Tổ quốc (UBMTTQ) và Liên hiệp các Hội khoa học kỹ thuật thành phố tổ chức ngày 7.8, ông Đặng Văn Khoa - Ủy viên UBMTTQ TP.HCM đã phát biểu:

“An toàn thực phẩm là chuyện cũ mèm ai cũng biết và tất nhiên lãnh đạo các địa phương cũng biết đó chỉ là phần rất nhỏ của tảng băng chìm. Tất cả các thực trạng, giải pháp được nêu ra gần 10 năm nay đều na ná như nhau. Câu hỏi của người dân là đến bao giờ cơ quan chức năng mới hành động thật nóng để làm tan chảy tảng băng chìm đó mà thôi”.

sTồn tại mối nguy lớn trong nhiều loại rau quả củ hiện nay.
Tồn tại mối nguy lớn trong nhiều loại rau quả củ hiện nay.

Bị động

Trong các giải pháp mà các sở nêu ra có việc xây dựng chuỗi thực phẩm an toàn từ khâu nuôi trồng, vận chuyển cho đến khi lên bàn ăn, ông Nguyễn Ngọc Giao - Phó Chủ tịch UBMTTQ thành phố, chủ trì hội nghị - đánh giá đây là một chọn lựa, biện pháp nghe có vẻ tốt nhất, thế nhưng đã nghe từ gần 5 năm nay mà chưa thấy cái gì cụ thể.

Ông Giao băn khoăn dường như mọi vụ vi phạm đều do truyền thông phát hiện. “Liệu cơ quan quản lý có biết không hay phải đợi báo chí phanh phui rồi mới làm? Quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm hiện nay là hoàn toàn bị động, để chuyện xảy ra rồi mới chạy đi xử lý”-ông nói.

Thầy thuốc Nhân dân, bác sĩ Trần Đông A cũng bức xúc khi đặt vấn đề: “Một ngày người ăn uống 3, 4 bữa mà chỉ đi giám sát, kiểm tra hàng tháng, hàng kỳ thì không thể được. Chưa kể, sau các đợt cao điểm như hiện nay thì lấy gì bảo đảm các vi phạm không tái diễn?”. Bác sĩ Trần Đông A cũng yêu cầu nếu cơ quan chức năng vướng vấn đề quản lý chồng chéo giữa 3 ngành y tế, công thương và nông nghiệp thì phải có “lực lượng đặc nhiệm” về an toàn thực phẩm.

Chỉ phát hiện độc chất trong tầm ngắm

Trình bày về công tác kiểm nghiệm của mình, GS - TS Chu Phạm Ngọc Sơn - Chủ tịch Hội Hóa học TP.HCM cho thấy một bức tranh quá tối về tình hình an toàn vệ sinh thực phẩm. Qua con đường thức ăn hằng ngày, các mối nguy hiểm cho con người khá phức tạp, đa dạng.

Chúng đến từ thực phẩm chứa vi sinh vật, độc chất tự nhiên, thuốc bảo vệ thực vật, chất kích thích tăng trưởng, hóa chất công nghiệp, kháng sinh bị cấm, chất tăng trọng, kim loại nặng từ chất thải công nghiệp… Các độc chất này nhiễm vào thực phẩm từ quá trình nuôi trồng, bảo quản, sản xuất, chế biến không đúng quy định. Nguy cơ nhiễm độc từ bao bì như mới đây là vụ DEHA trong màng bọc thực phẩm cũng hết sức đáng lo ngại.

Trong khi đó, ông Sơn cho rằng nhiều loại hóa chất liên tục nhập không phép qua các cửa khẩu có chất lượng đáng nghi ngờ. Phụ gia thực phẩm vẫn bày bán chung với hoá chất dùng cho mục đích khác, quản lý nhà nước đến nay chưa quy định thật rạch ròi vấn đề này. Cũng theo ông Sơn, nhiều phương tiện kiểm nghiệm hiện có trong nước tuy rất hiện đại nhưng vẫn chủ yếu là kiểm soát các đối tượng nhắm đến, chứ chưa thể nhận diện các chất lạ khác không nằm trong tầm ngắm.

Từ đó, ông Sơn đề nghị 2 biện pháp mà TP.HCM nên xem xét. Một là, tập hợp các phòng kiểm nghiệm có nhiều kinh nghiệm, giao cho mỗi phòng trách nhiệm theo dõi thường xuyên một mặt hàng nhất định như sữa và sản phẩm từ sữa, thịt, trứng và sản phẩm chế biến, thủy sản... Hàng tháng các phòng kiểm nghiệm giao ban thông báo với đơn vị chức năng tình hình hoặc nếu cần họp đột xuất khi phát hiện hiện tượng bất thường để có biện pháp thích ứng.
"Một ngày người ăn uống 3, 4 bữa mà chỉ đi giám sát, kiểm tra hàng tháng, hàng kỳ thì không thể được”.
Bác sĩ Trần Đông A

Thứ hai, thành phố nên đầu tư xây dựng hẳn một trung tâm kiểm nghiệm chuẩn độc lập, không làm dịch vụ kiểm nghiệm, đạt tiêu chuẩn quốc tế chỉ thực hiện các nhiệm vụ do Nhà nước giao phó. Gồm đào tạo nguồn nhân lực về kiểm nghiệm, thường xuyên theo dõi tình hình buôn bán hóa chất trên địa bàn, theo dõi chất lượng các mặt hàng hóa và thực phẩm lưu hành, cập nhật các thông tin trong và ngoài nước về an toàn thực phẩm…