Dân Việt

“Thuốc giải” VAMC hữu hiệu đến mức nào?

Tuấn Anh 09/08/2013 11:07 GMT+7
Công ty Quản lý tài sản (VAMC) chính thức đi vào hoạt động 1 tháng nay nhưng mục tiêu khơi thông dòng vốn, thanh lý nợ xấu… chưa mang lại kết quả cụ thể như nhiều lời dự đoán.
Theo cam kết, VAMC đã hoạt động từ ngày 9.7 nhưng đến nay mọi thông tin về bộ máy tổ chức, cách thức vận hành vẫn chưa được công bố. VAMC do Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ và chịu sự quản lý Nhà nước. Nhiệm vụ của VAMC nhằm mua lại nợ xấu của các tổ chức tín dụng, thu hồi nợ, cơ cấu lại khoản nợ, điều chỉnh điều kiện trả nợ, chuyển nợ thành vốn góp, vốn cổ phần của khách hàng vay... Mục tiêu khi VAMC đi vào hoạt động sẽ xử lý được 40.000 - 70.000 tỷ đồng nợ xấu trong 6 tháng cuối năm 2013.

Giả thiết VAMC đã hoạt động và công việc mua bán nợ xấu đang được triển khai thì nhiều doanh nghiệp (DN) cũng không xem đó là niềm vui. Giám đốc một DN kinh doanh hóa mỹ phẩm trên địa bàn quận 1, TP.HCM (xin được giấu tên) cho biết, VAMC ra đời chỉ mang lại lợi ích cho DN nhà nước, còn các DN tư nhân không thể với tới. Và dù được nằm trong diện được mua lại các khoản nợ thì DN cũng sẽ gặp khó khăn trong các thủ tục, quy định ngặt nghèo mà VAMC đưa ra. Vị giám đốc còn băn khoăn, khi số nợ xấu được chuyển giao cho VAMC thì liệu hồ sơ nợ xấu DN có được làm sạch không hay vẫn có tên trong bảng “danh sách đen” của ngân hàng.

Tương tự, ông Lê Hoàng Châu – Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM cho biết, VAMC chủ yếu phục vụ cho lợi ích của nhóm ngân hàng trong việc tái cơ cấu lại các khoản nợ xấu. Trong khi, để giải quyết khó khăn cho các DN bất động sản không phải bằng cách mua lại nợ xấu mà làm sao tiêu thụ được lượng hàng tồn đọng còn quá lớn. Tuy nhiên, theo ông Châu, khi VAMC mua lại các khoản nợ xấu sẽ giúp ngân hàng điều chỉnh hợp lý hơn dòng tiền, qua đó hỗ trợ lại các DN bất động sản vay vốn vượt qua giai đoạn khó khăn này.

Trong khi đó, ông Trần Quang Thắng – Viện trưởng Viện Kinh tế và Quản lý TP.HCM cho rằng, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đánh giá tỷ lệ nợ xấu thấp nhất hiện nay chiếm khoảng 200.000 tỷ đồng, thực tế con số này còn lớn hơn nhiều. Việc xử lý nợ xấu mất ít nhất cũng phải đến 5-7 năm mới có kết quả. Vì vậy VAMC ra đời lúc này như một động thái tích cực cho nền kinh tế, qua đó trấn an DN không phải chịu áp lực về các khoản nợ xấu. Ông Thắng cũng cho rằng, VAMC chỉ mới đi vào hoạt động, chưa cho thấy hiệu quả rõ nét, thế nên DN vẫn phải chờ đợi.

VAMC ra đời mới chỉ là giải pháp bước đầu trong bài toán xử lý nợ xấu và cần có thời gian mới đánh giá được hiệu quả của nó. Còn hiện tại không ít chuyên gia và DN vẫn đang đi tìm lời giải cho bài toán nợ xấu vẫn đang hiện hữu.

Hiện tại, bất động sản là lĩnh vực chiếm phần lớn các khoản nợ xấu ở Việt Nam. Vấn đề nợ xấu trong bất động sản không phải chủ yếu từ nguồn tín dụng của các ngân hàng thương mại mà còn nguồn vốn từ người tiêu dùng, các nhà đầu tư nhỏ lẻ. Chính vì vậy bất động sản xuống dốc nhưng nhà đầu tư vẫn chấp nhận tồn đọng mà không chịu phá giá, từ đó nợ xấu càng thêm trầm trọng.