Bà con trong buôn bảo, mùa hè ở Co Phạt còn dễ chịu chứ mùa đông thì ai ai cũng sợ, bởi sự khắc nghiệt của nó như thâu tóm hết cái quái ác nhất của thời tiết miền biên cương hai đất nước Việt - Lào.
Có lẽ chính sự khắc nghiệt ấy cũng là lý do giải thích vì sao mà người Đan Lai từ ngàn đời nay đã tạo cho mình một cách chống chọi với thiên nhiên “có một không hai” đó là thói quen ngủ ngồi bên bếp lửa hồng cháy thâu đêm.
Quan niệm cổ xưa nơi đây kiêng kị việc mắc màn và chỉ dùng màn khi trong nhà có người chết, vậy nên ngày trước cách thức phổ biến để chống muỗi, côn trùng là áo quần và hơi lửa ấm.
Phụ nữ Đan Lai giã gạo.
Ẩn mình, che giấu mình khỏi thế giới xung quanh hầu như là thói quen của người Đan Lai. Điều này được thể hiện trước tiên thông qua chính những mái nhà sàn ở buôn cũng thấp hơn hẳn nhà của người Thái, người Dao trong vùng và thường nằm lẩn khuất trong những cánh rừng già, không bao giờ ở nơi bằng phẳng, vùng trũng.
Người già kể lại, ngày xưa rừng Pù Mát đầy rẫy thú dữ, cọp beo vẫn thường mò mẫm dưới sàn nhà tìm mồi, chúng đều sợ than bếp lửa và dáng ngủ ngồi sẽ khiến thú dữ tưởng người còn thức, không dám tấn công.
Người Đan Lai ở Co Phạt ngủ ngồi từ thuở vừa sinh ra, phụ nữ lúc sinh con cũng ngồi... Đẻ xong trẻ được đưa ngay xuống dòng sông Giăng nhúng vào nước với ý nghĩa để chúng biết rằng, chỉ có thể tồn tại được khi dựa vào sông và núi rừng nơi này. “Chẳng thế mà ở Co Phạt, những đứa trẻ Đan Lai 6 tuổi đã có thể lặn vào hang để bắt sống cá mát, cá lăng, cá mú. Chúng bắt tay không và vào ban đêm bởi mắt của chúng còn sáng hơn cả mắt chim đại bàng...” - già La Văn Liệu, một trong những bậc cao niên của buôn tự hào kể và cười rung chòm râu bạc.