Đầu trần, chân đất đi làm…Tại làng nghề đúc cơ khí Mỹ Đồng, xã Mỹ Đồng, huyện Thủy Nguyên, một làng nghề đã được quy hoạch và sản xuất tập trung nhưng tình trạng ô nhiễm, mất an toàn lao động vẫn rất nghiêm trọng.
Đến một xưởng đúc ở trung tâm làng nghề, trong tiếng búa inh tai, hàng chục công nhân vẫn đang cần mẫn làm việc. Xưởng đúc này không hề có ống khói thoát khí, toàn bộ khí thải đều xả ra môi trường xung quanh. Còn người lao động cũng chẳng có bảo hộ gì ngoài đôi găng tay. Chốc chốc họ lại chạy ra ngoài cho đỡ cay mắt và để hít khí sạch rồi lại vào làm tiếp...
Người lao động ở làng nghề Mỹ Đồng hàng ngày phải đối mặt với nguy cơ tai nạn lao động.
Anh Đỗ Đăng Dương, 31 tuổi, thợ của xưởng đúc Hiệp Anh chia sẻ: “Tôi đã làm nghề này 7 năm. Sợ nhất là những ngày nắng nóng, tôi phải liên tục làm việc trong môi trường nóng bức, ngột ngạt vì khí thải từ các lò nấu thoát ra, đến nỗi chóng mặt, hoa mắt…”. Vì công việc khá nặng nhọc, phần lớn lao động ở đây là nam giới trong độ tuổi từ 20-45, lương đạt 7-8 triệu đồng/tháng nhưng nguy cơ bị bệnh luôn chực chờ. Không ít thợ thâm niên cao ở đây mắc bệnh về da, mắt, phổi…
Tới một cơ sở tái chế nhựa ở phường Tràng Minh, quận Kiến An, chúng tôi cũng chứng kiến cảnh người lao động làm việc hết sức nguy hiểm: Công nhân tay không bốc túi nylon đưa vào máy xay. Cạnh đó là cỗ máy nấu nhựa, mùi khét bốc lên sặc sụa. Phía bên trong cách đó chỉ mấy mét, 2 thanh niên khác đứng túc trực bên máy phay chạy ầm ầm hàng tiếng đồng hồ. Mùi khét tổng hợp của các loại nhựa xộc thẳng vào mũi.
Kiểm soát… “ngoài tầm với”Ông Bùi Tiến Trung - Phó Chủ tịch Hội Làng nghề Hải Phòng cho biết: Ngoài 2 làng nghề có mức độ mất vệ sinh, nguy cơ tai nạn lao động đến báo động nói trên thì các làng nghề khác cũng có tình trạng đáng lo ngại như làng nghề sản xuất đồ mỹ nghệ sơn mài, tạc tượng, làm mộc Đồng Minh (Vĩnh Bảo), Kha Lâm (Kiến An), làng dệt chiếu Lật Dương (Tiên Lãng)… Hầu hết lao động làm trực tiếp nên dễ gặp tai nạn và các bệnh nghề nghiệp. Nhưng điều đáng buồn là vấn đề đảm bảo an toàn lao động ở các làng nghề này dường như vẫn còn bỏ ngỏ… Hiện thành phố chưa có một đánh giá cụ thể nào về mức độ mất an toàn, vệ sinh lao động tại các làng nghề.
Lý giải nguyên nhân, ông Trung thừa nhận: Làng nghề với hầu hết quy mô sản xuất nhỏ, vốn đầu tư ít nên việc cải tiến công nghệ để đảm bảo an toàn chưa được chú ý.
Ông Phạm Văn Căng - Trưởng phòng Tai nạn lao động Sở LĐTBXH Hải Phòng cho biết: 6 tháng đầu năm 2013, số vụ tai nạn lao động xảy ra ở Hải Phòng là 38 vụ, tăng gấp 9 lần so với cùng kỳ năm 2012. Nhưng trong đó không có thống kê nào về tai nạn lao động trong các làng nghề. Hàng năm, ngành thanh tra đã kiểm tra hàng nghìn doanh nghiệp trên địa bàn thành phố, còn việc nắm bắt tai nạn lao động ở các làng nghề vẫn... ngoài tầm với”.