Dân Việt

Lấy đất để làm kinh tế - phải trưng mua!

Lương Kết (thực hiện) 21/11/2013 06:29 GMT+7
Thẩm quyền thu hồi đất của Nhà nước, định giá đất, mức bồi thường khi thu hồi đất... vẫn là những vấn đề mà Quốc hội còn nhiều ý kiến khác nhau.

Bên hành lang Quốc hội, phóng viên Dân Việt - NTNN phỏng vấn nhanh ông Trần Ngọc Vinh - đại biểu Quốc hội TP.Hải Phòng về vấn đề này.

Thưa ông, trong phiên thảo luận tại hội trường ngày 6.11.2013 về Dự thảo Luật Đất đai 2003 (sửa đổi), ông là một trong số các đại biểu đã có đề nghị thẳng thắn là “nên bỏ phần quy định Nhà nước thu hồi đất vì mục đích phát triển kinh tế- xã hội (KTXH)”. Nhưng Ủy ban TVQH đã có giải trình về vấn đề này và xin giữ nguyên như dự thảo luật. Ông có đồng thuận với giải trình như trên?

- Tôi cho rằng việc thu hồi đất để phát triển KTXH có 2 loại: Thứ nhất, cũng là KTXH nhưng vì lợi ích công cộng là khác, còn thu hồi với mục đích để làm kinh tế thì phải trưng mua. Còn dự thảo luật ở đây vẫn quy định chung chung, thiếu cụ thể, không phân thành 2 loại sẽ bị lạm dụng gây thiệt thòi cho người dân. Bây giờ phải làm rõ ra, cái thứ nhất là thu hồi đất vì phát triển KTXH như làm trường học, bệnh viện… thì phải công khai. Còn nếu thu hồi đất về phát triển KTXH cho một tổ chức hay nhóm nào đó để làm kinh tế thì phải có giá đền bù khác.

Việc thu hồi đất phải có sự đền bù thỏa đáng cho người dân.
Việc thu hồi đất phải có sự đền bù thỏa đáng cho người dân.

Thứ hai là cơ quan định giá đất phải độc lập chứ không phải là vừa thu hồi đất lại định giá đất kiểu “vừa đá bóng vừa thổi còi”.

Nói về quy định giá đất bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất trong Dự thảo Luật Đất đai 2003 (sửa đổi), ông có ý kiến gì thêm?

-Nói về thu hồi và giá đất là phải căn cứ vào thời điểm thu hồi, nghĩa là thu hồi phải tiến hành đền bù thanh toán ngay tại thời điểm đó. Lâu nay có tình trạng nhiều khi thu hồi đất rồi nhưng 1-2 năm sau mới trả tiền cho người bị thu hồi, giá cả đền bù lại tính lùi thời điểm 1-2 năm trước nên nảy sinh nhiều vấn đề. Khi thu hồi đất giao cho ai thì trong quy định phải rõ ràng, trong bao năm không triển khai dự án thì phải thu hồi về.

Quan điểm của ông nhận được sự chia sẻ của cử tri và các đại biểu Quốc hội khác như thế nào?

- Đây là vấn đề rất nóng bỏng, có đến 70 -80% đơn thư khiếu nại, kiện cáo là ở đất đai. Tại sao lại như vậy, chứng tỏ các văn bản hướng dẫn trong việc thu hồi đất đai của chúng ta có nhiều bất cập. Sửa Luật Đất đai lần này phải giải quyết những bất cập và làm sao hạn chế tối đa đơn thư khiếu kiện thì mới là thành công. Nếu sửa luật rồi mà dân vẫn đi kiện nhiều thì không thành công và không đúng mục tiêu đề ra là phải khắc phục tồn tại của luật cũ và giảm được khiếu nại kiện cáo.

Ngày mai (22.11), Quốc hội có thêm nửa ngày thảo luận hội trường về Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), ông sẽ tiếp tục bày tỏ quan điểm của mình như thế nào?

- Đến giờ tôi chưa nhận được bản tiếp thu giải trình về Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) thế nào, phải chờ bản tiếp thu giải trình qua các cuộc thảo luận mà đại biểu Quốc hội đã góp ý kiến thì mới có thể nêu được quan điểm.

Trường hợp Dự thảo Luật vẫn được Ủy ban TVQH đề nghị giữ nguyên nội dung về Nhà nước thu hồi đất đối với mục đích KTXH cho đến khi Quốc hội biểu quyết vào 29.11, với tư cách đại biểu Quốc hội, ông sẽ bấm chọn nút nào?

-Biểu quyết là biểu quyết tổng thể chứ không phải vì một số điều. Liên quan đến việc thu hồi đất thì quy định đưa ra làm sao giải quyết được lợi ích hài hòa giữa Nhà nước, doanh nghiệp và nhân dân. Quan điểm của tôi là, xây dựng Nhà nước pháp quyền của dân do dân vì dân, do đó phải đặt lợi ích của người dân lên trên hết. Muốn giải quyết tất cả những bất cập thì phải giải quyết cho dân thấy thỏa đáng, để không có “việc nọ, việc kia”.

Xin cảm ơn ông!

ĐB Lê Thị Nguyệt - tỉnh Vĩnh Phúc: “Vừa đá bóng, vừa thổi còi”: Giao thẩm quyền cho UBND cấp tỉnh quy định, quyết định giá đất là chưa khách quan, khó công bằng, chưa chặt chẽ, khó tránh khỏi sự thiên lệch từ các cuộc vận động hành lang của chủ thể được giao đất. Bởi vì UBND là cơ quan phê duyệt quyết định các dự án công trình liên quan đến thu hồi, sau đó lại xây dựng và trình UBND thông qua, sau đó UBND tỉnh quy định quyết định giá đất, cách làm này gần như “vừa đá bóng, vừa thổi còi”.

ĐB Đàng Thị Mỹ Hương – tỉnh Ninh Thuận: Chỉ thu hồi khi Nhà nước làm chủ đầu tư: Tôi đề nghị cần quy định thẳng trong luật đối với các dự án công trình dù có nghị quyết của HĐND cấp tỉnh cho phép đầu tư nhưng nếu chủ đầu tư là doanh nghiệp đầu tư như xây dựng khu đô thị mới, khu dân cư nông thôn mới, dự án khai thác khoáng sản, khu văn hóa thể thao... thì phải thỏa thuận với người dân. Chỉ cho phép thu hồi đất đối với các dự án do Nhà nước làm chủ đầu tư.

ĐB Huỳnh Minh Hoàng - tỉnh Bạc Liêu: Bỏ hẳn cơ chế giao đất xin - cho
Tôi kiến nghị Nhà nước cần thành lập cơ quan định giá đất, người dân bị thu hồi đất có quyền giới thiệu danh sách các tổ chức cung cấp dịch vụ định giá đất độc lập, tham gia đấu thầu định giá đất để xây dựng phương án bồi hoàn, hỗ trợ và tái định cư sao cho có lợi cho người bị thu hồi đất, bỏ hẳn cơ chế giao đất xin- cho.

ĐB Bùi Sỹ Lợi - tỉnh Thanh Hoá: Phải quy định rõ phương pháp định giá đất: Về giá đất, trong Điều 112, tôi thấy chúng ta tự nhiên quy định khoản 2, Chính phủ quy định phương án quy định giá đất, trong một điều luật mà quy định như vậy thì không đề cập đến vấn đề nào là phương pháp xác định khung giá đất này như thế nào, tạo ra một khoảng trống về quy định của luật pháp. Do đó, Điều 112 cần phải quy định rõ phương pháp định giá đất như thế nào để Chính phủ căn cứ để hướng dẫn.
Lam Giang (lược trích)

Giao đất cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số

(ĐB Huỳnh Thành - tỉnh Gia Lai): Điều 27, trách nhiệm của Nhà nước về đất ở, đất sản xuất nông nghiệp đối với đồng bào dân tộc thiểu số, theo tôi quy định này cần thiết nhưng chưa đầy đủ. Hiện nay vẫn còn tình trạng tranh chấp đất giữa đồng bào dân tộc thiểu số với các ban quản lý bảo vệ rừng và các nông lâm trường trong điều kiện phần lớn thuộc diện thiếu đất sản xuất. Trong khi nhiều đơn vị nông lâm trường sử dụng đất đai chưa hiệu quả, một số nông lâm trường lại giao khoán trắng đất cho hộ gia đình và thu lại sản phẩm và một khoản tiền theo định kỳ, gần giống như kiểu phát canh thu tô của thời phong kiến trước đây, gây phát sinh nhiều bức xúc trong nhân dân.


Vì vậy, tôi đề nghị bổ sung vào điều này khoản 3 như sau: "Nhà nước tổ chức lại hoạt động các nông lâm trường và các ban quản lý bảo vệ rừng, có chính sách giao đất, khoán, quản lý, bảo vệ rừng cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số thuộc diện thiếu đất hoặc không có đất sản xuất".

Vì sao lại chỉ bồi thường theo vụ thu hoạch?

(ĐB Vũ Xuân Trường - tỉnh Nam Định): Khoản 1, Điều 90 (Dự thảo Luật Đất đai 2003 sửa đổi) quy định: Mức bồi thường đối với cây hàng năm được tính bằng sản lượng của vụ thu hoạch theo giá trị sản lượng của vụ thu hoạch cao nhất trong 3 năm liền kề. Tương tự như vậy về nuôi trồng thủy sản cũng bằng mức thiệt hại do phải thu hoạch sớm.


Quy định như trên là không cụ thể và đặc biệt không đảm bảo quyền lợi của người nông dân có đất bị thu hồi. Vì toàn bộ đời sống chi phí sinh hoạt của họ chỉ dựa vào cây lúa, nay vì lợi ích của Nhà nước, lợi ích của doanh nghiệp, của nhà đầu tư mà ruộng đất của họ bị thu hồi, tức là nguồn sống chính, tư liệu sản xuất chính nhưng họ chỉ được bồi thường bằng giá trị sản lượng của vụ thu hoạch. Theo tôi hiểu, quy định như vậy có nghĩa là một vụ thu hoạch là quá thiệt thòi quá thấp, bồi thường như thế thì vụ sau, năm sau, đời sống của họ sống bằng gì, sinh hoạt bằng gì khi tư liệu sản xuất chính là đất đai đã bị thu hồi?