Dân Việt

Đồng bào dân tộc thiểu số “đói” đất sản xuất

Đình Thắng 27/11/2013 07:14 GMT+7
Đó là đánh giá của Ban Dân tộc tỉnh Quảng Bình tại Hội thảo “Thực trạng và nhu cầu sử dụng đất sản xuất của đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Quảng Bình” ngày 26.11.
Theo ban này, đất nông nghiệp vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở Quảng Bình có 389.435,78ha, chiếm 96,13% tổng diện tích tự nhiên, trong đó đất lâm nghiệp có 383.010,24ha (98,35%). Thực trạng hiện nay tại một số huyện như Minh Hóa, Tuyên Hóa, Bố Trạch, Quảng Ninh, Lệ Thủy... là phần lớn diện tích đất lâm nghiệp đều thuộc sự quản lý của các lâm trường, ban quản lý rừng phòng hộ, chiếm trên 70%, thậm chí có những vùng lên tới 94%. Trong khi đó có những huyện có rất nhiều hộ không có đất sản xuất, như Minh Hóa có tới 434 hộ chưa có đất sản xuất (25%); diện tích đất sản xuất của người dân rất thấp chỉ chiếm từ 1,15 - 4,26%.

Đồng bào DTTS ở tỉnh Quảng Bình  đang thiếu đất canh tác
Đồng bào DTTS ở tỉnh Quảng Bình đang thiếu đất canh tác

Theo ông Nguyễn Sơn Hải – Phó Chủ tịch UBND xã Trường Sơn (huyện Quảng Ninh): “Trên 74.000ha đất lâm nghiệp của xã thì các lâm trường, ban quản lý rừng đã quản lý sử dụng trên 70.000ha. Xã có tới gần 900/1.025 hộ dân thiếu đất sản xuất, thiếu công ăn việc làm, số hộ nghèo đói trong xã rất cao với 508 hộ (gần 50%)”.

Ông Hoàng Văn Tân – Phó Trưởng ban Dân tộc Quảng Bình cho biết: “Tình trạng thiếu đất sản xuất ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã được tỉnh quan tâm giải quyết, tuy nhiên tiến độ giao đất trên thực địa còn rất chậm, phần lớn diện tích đất được giao sau khi thu hồi chưa phù hợp với đề xuất của UBND các xã, phần lớn diện tích đất bóc tách giao cho người dân sử dụng, quản lý đều là đất xa khu dân cư, đất nghèo kiệt vùng núi đá…”.

Giám đốc Quỹ Phát triển nông thôn và giảm nghèo huyện Quảng Ninh (RDPR) - ông Phạm Mậu Tài cho rằng: Đối với các xã không còn quỹ đất, cần có giải pháp thu hồi đất từ các công ty lâm nghiệp, ban quản lý rừng đang quản lý diện tích lớn giao cho người dân địa phương sử dụng. Sau khi giao đất giao rừng, địa phương sớm có chính sách hỗ trợ cây giống, vốn, kỹ thuật... để người dân sử dụng đất hiệu quả.