Dân Việt

Đại tướng Nguyễn Chí Thanh - Vị tướng “bám đội, lội đồng”

Hà Thu 25/12/2013 11:00 GMT+7
Triển lãm về cuộc đời và sự nghiệp của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đang diễn ra tại Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam, hướng tới kỷ niệm 100 năm ngày sinh của ông (1.1.1914-1.1-2014).
Qua những hiện vật, thấy hiện rõ chân dung của ông- một vị tướng tài ba, một chiến sĩ cách mạng trung kiên...

Nhiều hiện vật xúc động

Đại tướng Nguyễn Chí Thanh (tên thật là Nguyễn Vịnh) - nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, sinh ngày 1.1.1914 trong một gia đình bần nông ở thôn Niêm Phò, xã Quảng Thọ, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên.

Năm 17 tuổi, Nguyễn Vịnh đã tham gia hoạt động cách mạng. Tháng 7.1937, đồng chí được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương. Đầu năm 1938, đồng chí được cử làm Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên. Tháng 8 năm 1945, tại Hội nghị toàn quốc của Đảng ở Tân Trào, đồng chí Nguyễn Vịnh được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng, được chỉ định làm Bí thư Xứ ủy Trung Kỳ; cũng tại đây đồng chí được Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt tên Nguyễn Chí Thanh.

Khách trong nước và nước ngoài xem triển lãm về Đại tướng Nguyễn Chí Thanh chiều 24.12.
Khách trong nước và nước ngoài xem triển lãm về Đại tướng Nguyễn Chí Thanh chiều 24.12.

Nhiều hiện vật trong triển lãm đã tạo nên sự xúc động ở người xem như chiếc xe đạp Đại tướng Nguyễn Chí Thanh sử dụng trong kháng chiến chống thực dân Pháp ở chiến khu Việt Bắc từ năm 1950-1954. Khẩu súng ngắn Đại tướng sử dụng ở Thừa Thiên trong những năm đầu kháng chiến chống thực dân Pháp. Bộ lễ phục tướng mà ông sử dụng từ năm 1959- 1967, khi đảm nhiệm cương vị Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, Bí thư Trung ương Cục miền Nam; chiếc mũ lưỡi trai ông thường đội trong thời gian là Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, Phó Bí thư Tổng Quân ủy từ năm 1955 - 1957.

Hay những vật vô cùng gần gũi là chiếc áo nâu, chiếc cặp da Đại tướng sử dụng trong những ngày lặn lội trên đồng ruộng với bà con nông dân. Gương soi, tẩu thuốc, chiếc lược và bàn chải đánh răng, bật lửa, chiếc mũ sắt ông dùng trong thời gian là Bí thư Trung ương Cục miền Nam, Chính ủy Quân giải phóng miền Nam, từ năm 1964 - 1967...

Tất cả những hiện vật này được thu thập từ nhiều nguồn, người thân, gia đình, đồng đội đồng chí của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh. Đặc biệt, trước khi khai mạc triển lãm, Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam đã tổ chức một buổi lễ trang trọng tiếp nhận bức tượng bán thân chân dung Đại tướng Nguyễn Chí Thanh do gia đình trao tặng. Bức tượng được làm bằng chất liệu đồng và do nhà điêu khắc, Đại tá Minh Đỉnh- nguyên là cán bộ của Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam sáng tác.

Gia đình Đại tướng còn trao tặng cho bảo tàng bộ sách tổng hợp các bài viết của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ và hồi ký của các vị lão thành cách mạng về Đại tướng. Tất cả các hiện vật này đang được trưng bày tại triển lãm.

Người “bám đội, lội đồng”

Hơn 200 tài liệu, hiện vật, hình ảnh của triển lãm được trưng bày theo 4 đề mục: “Quê hương với tuổi thơ”; “Nhà chính trị quân sự lỗi lạc”; “Vị Đại tướng của nông dân” và “Trọn nghĩa vẹn tình”. Có lẽ nhiều người sẽ chú ý đến đề mục trưng bày “Vị Đại tướng của nông dân” với rất nhiều tư liệu, hiện vật liên quan đến thời kỳ cuối năm 1960, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh được Đảng giao nhiệm vụ Trưởng ban Nông nghiệp Trung ương.
Đồng chí Nguyễn Chí Thanh (ngoài cùng bên phải) cấy lúa cùng bà con xã viên HTX Chiến Thắng (xã Lý Ninh, huyện Đông Hội, Quảng Bình), tháng 1.1962. Ảnh tư liệu.
Đồng chí Nguyễn Chí Thanh (ngoài cùng bên phải) cấy lúa cùng bà con xã viên HTX Chiến Thắng (xã Lý Ninh, huyện Đông Hội, Quảng Bình), tháng 1.1962. Ảnh tư liệu.

Thời gian đảm nhiệm cương vị này không dài nhưng Đại tướng đã có những đóng góp không nhỏ vào việc củng cố hợp tác xã và phát triển nông nghiệp ở miền Bắc nước ta, để lại nhiều kinh nghiệm quý và những ấn tượng tốt đẹp cho cán bộ và đồng bào trên mặt trận kinh tế hàng đầu này.

Thượng tướng Ngô Xuân Lịch- Bí thư Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị đã ghi trong sổ lưu niệm tại triển lãm: “Những hình ảnh và hiện vật được trưng bày tại triển lãm làm tôi rất xúc động và cảm phục trước tấm gương của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh- một chiến sĩ cộng sản kiên cường, một cán bộ lãnh đạo xuất sắc của Đảng, một tướng lĩnh tài ba của quân đội ta. Thông qua triển lãm, góp phần tuyên truyền, giáo dục truyền thống yêu nước và cách mạng cho các thế hệ, nhất là thế hệ trẻ...”.

Có những hình ảnh rất xúc động ghi lại tình cảm gắn bó của Đại tướng với bà con nông dân nhiều tỉnh miền Bắc như ông tặng quà 7 lão nông ở Hợp tác xã Đông Phương Hồng, xã Thọ Hải, huyện Thọ Xuân (Thanh Hóa) hay ảnh Đại tướng cùng xuống ruộng cấy lúa với bà con xã viên HTX Chiến Thắng, xã Lý Ninh (Quảng Bình).

Những năm 1962-1963, Thanh Hóa liên tục bị bão lụt, hạn hán nghiêm trọng, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đã trực tiếp về tận nhà các gia đình bà con nông dân thăm hỏi, động viên, hỗ trợ gạo, vải, những nhu yếu phẩm thiết thực cho bà con nông dân.

Nhà báo Hữu Thọ- nguyên là phóng viên theo dõi mảng nông nghiệp của báo Nhân Dân đã từng được đi theo Đại tướng trong khoảng thời gian ông làm Trưởng ban Nông nghiệp Trung ương, nhớ lại: “Khi tổng kết công tác, Đại tướng thường nêu những khẩu hiệu cổ vũ phong trào rất dễ nhớ.

Với nông nghiệp, ai cũng nhớ câu “Bám đội, lội đồng” nêu tác phong sát dân, sát đồng ruộng của người lãnh đạo, quản lý. Đó chính là một trong những chỉ đạo mà Đại tướng rút ra khi làm việc với nông dân...