Dân Việt

Nước mắt ngày đoàn tụ của người chồng sau gần 20 năm biệt tích

Huy Trường (Dòng Đời) 29/12/2013 14:16 GMT+7
Đã gần 20 năm trời bà cùng mấy đứa con lập bàn thờ để nhang khói từ khi nghe tin báo rằng chồng mình đã tử nạn trên biển...
Dường như bà Thơm không thể tin đó là sự thật, bà không tin rằng người đứng trước mặt bà bây giờ là ông Tiêu Viết Thảo, chồng bà. Đã gần 20 năm trời bà cùng mấy đứa con lập bàn thờ để nhang khói từ khi nghe tin báo rằng chồng mình đã tử nạn trên biển. Ngày đoàn viên hôm nay như một câu chuyện cổ tích có thật, chuyện ông Thảo trở về không những khiến cho gia đình mừng vui khôn xiết, mà hàng xóm láng giềng cũng rơm rớm nước mắt.

Mẹ già bên đứa con trai sau bao ngày xa cách
Mẹ già bên đứa con trai sau bao ngày xa cách

Người chồng mà bà Thơm đã nhang khói gần 20 năm nay đó chính là ông Tiêu Viết Thảo (SN 1959) và cuộc hội ngộ đầy hạnh phúc ấy đúng vào 8 giờ ngày 8/12/2013. Trước đó, bà Thơm đang làm thuê trên rẫy cà phê ở Đắk Lắk thì nghe tin báo là chồng mình trở về sau mấy mươi năm mất tích. Lúc đầu bà bàng hoàng và không thể tin nỗi đó là sự thật. Vì cách đó gần 20 năm, bà Thơm đã đau đớn tột cùng khi những người bạn cùng đi đánh cá với chồng báo tin rằng ông Thảo đã tử nạn trên biển.

Ngày đoàn tụ “cổ tích”

Đó là một ngày cuối tháng 4 năm 1993, lúc đang chuẩn bị chở cá lên chợ Bình Hải để bán thì bà Thơm nhận được tin báo là chồng bà đã rơi xuống biển trong một cơn bão lớn ở vùng biển Phú Quốc và mất tích sau đó. Sau khi nhận được hung tin, bà thông báo với những người họ hàng để liên lạc tìm kiếm nhưng vẫn bặt vô âm tín. Mấy ngày trôi qua trong vô vọng, cuối cùng những người hàng xóm cũng tìm sang để chia sẽ với bà Thơm và cho rằng âu đó cũng là cái số phải chấp nhận. Trong cơn tuyệt vọng, bà bàn với cha mẹ chồng và gia tộc về chuyện lập bàn thờ để nhang khói cho chồng. Bàn thờ được lập, bà cùng mấy đứa con đeo khăn tang trắng trước tấm di ảnh của ông Thảo. Nấm mộ của chồng bà được cất lên nhưng không có hài cốt, và bà chọn ngày tiết thanh minh hằng năm để làm ngày giỗ chồng.

Ngồi bên người vợ sau mấy mươi năm đoàn tụ, ông Thảo không giấu được nước mắt khi kể về câu chuyện tình đẹp của mình với bà Thơm. Câu chuyện tình đẹp ấy bắt đầu từ khi người vợ hiền từ của ông vừa tròn 19 tuổi. Thuở ấy ở miền quê ven biển này, bà Thơm như bông hoa xinh xắn vừa đẹp người lại đẹp nết nên khiến cho biết bao chàng trai thầm thương trộm nhớ. Chỉ một lần tình cờ khi ông Thảo trở vào đất liền sau một chuyến xa khơi thuyền đầy ắp cá, và bà Thơm lúc ấy lại phụ bố mẹ trong việc thu mua cá để về bán chợ.

Giây phút gặp gỡ ngắn ngủi ấy đã khiến ông Thảo xao lòng về một người con gái đảm đang, lại ăn nói dịu dàng. Và từ đó, mỗi chuyến xa khơi trở về, ông đều tìm đến bà Thơm để chuyện trò và chia sẻ những niềm vui nỗi buồn trong mỗi lần đi biển. Cảm mến tính tình thật thà của ông, nên một ngày cuối năm 1987, bà Thơm đã gật đầu đồng ý khi ông tỏ tình. Không lâu sau đó, một đám cưới nhỏ nhưng đầy hạnh phúc của hai bên gia đình cùng với sự chứng kiến của bà con lối xóm đã diễn ra.

Niềm vui càng nhân lên gấp bội một năm sau đó khi người vợ hiền đã sinh cho ông đứa con trai đầu lòng, đặt tên là Tiêu Viết Khôi. Khi chúng tôi hỏi bà Thơm về chuyện tình cảm thì bà mỉm cười kể lại một khoảnh khắc tuổi đôi mươi “Lúc ấy ở xóm nghèo này cũng nhiều người thương tôi lắm, có gì cũng đem cho bố mẹ tôi và đi theo tôi suốt ngày. Thế nhưng tôi lại kết cái nụ cười hiền lành của ông ấy (ông Thảo) nhất nên cảm mến. Tôi cũng không ngờ rằng giây phút hạnh phúc ấy thoảng qua nhanh, rồi tôi phải một mình lặn lội nuôi con trong suốt 10 năm không có chồng bên cạnh. Nhưng giờ thì câu chuyện cổ tích đã xảy ra, tôi cảm thấy hạnh phúc vô ngần...”.
Niềm hạnh phúc của người vợ
Niềm hạnh phúc của người vợ.

Kể từ lúc hay tin ông Tiêu Viết Thảo từ “cõi chết” trở về, nhiều người hàng xóm cũng không thể tin nỗi. Mọi người gác lại công ăn chuyện làm để tới nhà bà Thơm chứng kiến sự việc hy hữu này. Lúc đó, mọi người đều ngạc nhiên vì đứng trước mặt họ là một người đàn ông quen thuộc của xóm chài Thanh Thủy ngày nào, chỉ khác đôi chút vì mái tóc đã bạc, thêm vào đó là thân hình ốm hơn nhiều so với lúc còn thanh niên. Trong giây phút đoàn tụ nhiều tiếng cười, nhưng cũng không thiếu những giọt nước mắt. “Dường như tôi không thể tin đó là sự thật, dường như đó là một câu chuyện cổ tích kỳ lạ đến ngỡ ngàng, tôi không thể nào tin được là sau 20 năm nhang khói và sống trong nỗi buồn vì thiếu đi người chồng đầu ấp tay gối thì hôm nay ông ấy trở về. Không phải chỉ mình tôi, mà ngay cả những người dân ở xã Bình Hải này cũng ngạc nhiên khi ông ấy trở về. Vậy là ông ấy đã không chết như mẹ con chúng tôi tưởng, và ngày đoàn tụ hôm nay đã khiến tôi mất nhiều nước mắt, không phải khóc vì buồn tủi mà đó là những giọt nước mắt của hạnh phúc...”, đó là những lời tâm sự của bà Thơm. Ngồi bên cạnh đứa con trai sau bao ngày xa cách, người mẹ già đã bước qua cái tuổi 82 Dương Thị Bông cũng tâm sự trong nước mắt:

“ Tôi chỉ có hai đứa con trai, rất may mắn là chúng nó đều khỏe mạnh và siêng năng làm lụng. Tuy gia đình nghèo khó, nhưng thằng Thảo từ thời còn trẻ đã làm được tiền để phụ giúp gia đình rồi. Khi nó lấy vợ, hai vợ chồng tôi cũng lấy làm mừng. Kể từ khi hay tin nó rớt xuống biển, tôi không thể nào yên giấc mỗi đêm. Cứ tưởng nó chết thật rồi, thân già tôi cứ ngồi trước tấm di ảnh mà khóc. Nhờ ơn trời phật thương tình cho nó trở về với tôi, tôi mừng lắm mấy chú à”.

Những ngày “mất tích”

Ngày xưa, theo những người thợ biển, ông lặn lội xa khơi với mong ước được “đổi đời”, ngày đó nơi ven biển chỉ là vùng đất nghèo hoang sơ. Trong nỗi nghẹn ngào, ông Thảo cho hay: “Ngày đó ở cái xóm chài này không có nổi một cái tivi, điện thoại thì chưa ai nghĩ tới. Ngày ngày người dân chỉ biết bám biển mà sống qua ngày, hơn nữa những nhà không có người đi biển thì làm dăm ba đám ruộng, nhưng ruộng trên cát thì được mấy hạt lúa. Lúc lấy vợ rồi sinh con, cuộc sống gia đình khó khăn nên suốt năm chỉ sống với biển nước mênh mông, chỉ đến khi lễ tết mới được nghỉ ngơi một vài ngày. Giờ về lại đây sau mấy mươi năm, cảnh vật thay đổi hẳn”.

Chính sự ngạc nhiên này của ông Thảo khiến chúng tôi không khỏi buồn khi ông chia sẻ về ý nguyện của 20 năm về trước:

“Lúc ấy ở vùng quê Quảng Ngãi này hầu hết đều bám biển để kiếm sống nên ít “đất sống”, tôi phải bàn với vợ để cho mình vào Nam mới may ra thay đổi được số phận. Nhưng khi vào miền biển ở tận Khánh Hòa, Ninh Thuận thì chúng tôi cũng chỉ mang thân phận làm thuê, vả lại cuộc sống trên biển cũng lênh đênh bữa được bữa mất chứ không như viễn cảnh tôi từng nghĩ. Rồi chẳng được “đổi đời” mà lại phải mang trong mình những dấu tích trong những trận giông bão. Tôi vẫn nhớ như in cái ngày bão năm ấy, thuyền bị bão cuốn vỡ tan tành, mỗi người tự tìm đường thoát thân. Sau khi thấy mình dạt vào đảo Phú Quốc thì không còn thấy những người cùng đi đâu cả. Rồi tôi lại tự tìm cách xin làm thuê cho một tàu cá Campuchia. Lúc ấy tôi cũng muốn trở về, nhưng trong người không còn một đồng dính túi, lại cảm thấy “nhục” khi đã hứa với vợ con rằng sẽ kiếm thật nhiều tiền rồi mới về, nên tôi tiếp tục rong ruỗi. Cũng trong thời gian này, tôi có dịp thăm lại chiến trường K năm xưa từng vào sinh ra tử”.

Ông Thảo hồi tưởng lại ngày ấy trong đôi mắt trĩu nặng tâm tình “Tôi cùng anh em quyết chí đi làm xa để thoát đi cái nghèo, nào ngờ lại có kết quả như ngày hôm nay. Ngay cả tiền về nước cũng phải phiền vợ con vay mượn cho mình. Tôi cảm thấy ân hận khôn cùng. Cứ ngỡ rằng sau khi thoát được trận bão ấy để sang làm cho thuyền nước ngoài thì sẽ khá hơn. Nào ngờ khi theo thuyền Thái Lan một thời gian ngắn thì bị bắt vì không có hộ chiếu. Lúc tôi gặp nạn ở Phú Quốc (Kiên Giang) thì đã mất sạch tài sản rồi. Tôi bị giam giữ cho đến ngày hôm nay mới được về quê hương. Càng chua chát hơn khi biết gia đình tưởng tôi đã chết nên vợ con đã lập bàn thờ nhang khói. Nhưng những lúc như thế này, được đoàn tụ cùng vợ con, tôi mới thấm thía được nỗi lòng của họ trong những ngày tôi mất tích”.

“Ông ấy trở về là tốt lắm rồi, tôi cứ ngỡ thân cò nuôi con cùng với mẹ già trong sự buồn tủi vì mất chồng, giờ có người đàn ông trong gia đình thì vợ chồng tôi sẽ làm lụng để trả bớt số nợ chồng chất. Chỉ tội những đứa con đã sống thiếu hơi của ba nó gần 20 năm trời và phải bỏ học giữa chừng để lao vào cuộc mưu sinh. Dù biển có khắc nghiệt đến đâu thì cũng có lúc hiền hòa mà mấy chú, mình không phụ nó thì nó chắc cũng thương mình thôi. Rồi sau này sẽ nhiều tôm cá bán trả nợ, cũng lo cho con cái đi học một cái nghề nào đó để sống thảnh thơi hơn”, bà Thơm kết lại câu chuyện bằng những dự định thay cho chồng.