Dân Việt

Bangkok dịu lặng bất ngờ

Quang Minh (tổng hợp) 04/12/2013 06:56 GMT+7
Không khí ở thủ đô Bangkok (Thái Lan) ngày 3.12 yên bình đến kỳ lạ, người biểu tình tự do đi vào khuôn viên tòa nhà Chính phủ mà không gặp phải sự phản đối nào từ cảnh sát. Chỉ vài giờ trước đó, Bangkok vẫn còn nóng rực trong sự đối đầu...
Cảnh sát bắt tay người biểu tình

Sáng sớm 3.12, người ta vẫn còn thấy cảnh cảnh sát phun vòi rồng và xịt hơi cay vào dòng người biểu tình đang cố tràn vào bên trong tòa nhà Văn phòng Chính phủ. Tuy nhiên, không lâu sau đó, người biểu tình chống Chính phủ và các nhân viên cảnh sát bất ngờ quay ra bắt tay nhau hồ hởi, gọi nhau là “anh em”, là “con một nhà” và chụp ảnh lưu niệm… Đây là kết quả của một thỏa thuận nóng đạt được giữa Chính phủ và phe biểu tình, tạm ngừng bạo lực giữa các bên trong vài ngày tới để tôn vinh ngày sinh nhật của Nhà Vua Thái Lan.

Người biểu tình tặng hoa hồng cho cảnh sát Bangkok.     BANGKOKPOST
Người biểu tình tặng hoa hồng cho cảnh sát Bangkok. BANGKOKPOST

Trung tướng Paradon Patthanathabut thuộc Hội đồng An ninh Quốc gia thông báo: “Cả Chính phủ và phe biểu tình đều đồng ý lùi bước vì lợi ích của Nhà Vua đáng kính của chúng tôi”.

Ngay sau khi đạt được thỏa thuận, cảnh sát Thái Lan tuyên bố họ sẽ không ngăn cản những người biểu tình tìm cách chiếm giữ trụ sở Cảnh sát thủ đô Bangkok. Cảnh sát trưởng Bangkok Kamronvit Thoopkrachang tuyên bố, từ sáng 3.12, cảnh sát sẽ không sử dụng hơi cay hay đối đầu với người biểu tình mà sẽ để họ vào nếu họ muốn. Giữ đúng lời hứa, hàng trăm người biểu tình đã xông vào trụ sở Văn phòng Chính phủ mà không gặp bất kỳ trở ngại nào từ cảnh sát. Thậm chí, cảnh sát đã tự tay dỡ những hàng rào chắn để tránh đối đầu với người biểu tình. Rất nhiều người biểu tình tụ tập bên ngoài bãi cỏ, thổi còi và vẫy cờ… trong không khí được miêu tả như “một ngày hội”.

Ngày 3.12, Thủ tướng Yingluck đã từ chối một cuộc phỏng vấn theo yêu cầu của giới truyền thông sau khi bà dự một cuộc họp với giới chức quân sự. Theo báo Dân tộc của Thái Lan, bà Yingluck trông rất thoải mái, sau đó lên một chiếc trực thăng để đến tham dự một buổi diễn tập đánh dấu lễ sinh nhật của Nhà Vua Thái Lan tại Cung điện Klai Kang Won.

“Lấy nhu thắng cương”

Theo giới phân tích, việc Chính phủ Thái Lan chỉ thị cho cảnh sát lùi bước và cho phép người biểu tình vào trụ sở cơ quan công quyền là động thái giúp xoa dịu căng thẳng tại thủ đô Bangkok, hay còn gọi là chiến thuật “lấy nhu thắng cương” của Thủ tướng Yingluck. Bà Yingluck cũng như phe thân cựu Thủ tướng Thaksin đã rút ra bài học từ cuộc khủng hoảng năm 2010, không muốn lặp lại sai lầm của Chính phủ của cựu Thủ tướng Abhisit Vejjajiva, và phe Áo Vàng. Vào thời điểm đó, theo lệnh của Chính phủ, quân đội đã thẳng tay trấn áp và giải tán các cuộc biểu tình kéo dài của phe Áo Đỏ tại thủ đô Bangkok, làm 90 người thiệt mạng và hơn 1.900 người bị thương.

Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon ngày 2.12 đã bày tỏ quan ngại về các vụ đụng độ bạo lực tại Thái Lan, đồng thời kêu gọi tất cả các bên tìm kiếm một giải pháp hòa bình cho cuộc khủng hoảng hiện nay. Ông nhấn mạnh: Tất cả các phe phái cần tôn trọng đầy đủ các nguyên tắc dân chủ, trật tự luật pháp, nhân quyền, bao gồm quyền tự do bày tỏ chính kiến.

Tuy nhiên, phản ứng trước chiến thuật này, ngày 3.12, ông Suthep Thaugsuban - thủ lĩnh phe biểu tình tuyên bố ông sẽ tiếp tục đấu tranh nhằm lật đổ Thủ tướng Yingluck Shinawatra, bất chấp quyết định của Chính phủ rằng sẽ không đối phó với người biểu tình. Phát biểu trước những người ủng hộ, ông Thaugsuban tuyên bố: “Hôm nay, chúng ta đã giành được thắng lợi một phần, song chúng ta sẽ đấu tranh đến khi nào chế độ của Thaksin bị đẩy lùi”, ám chỉ sức ảnh hưởng của anh trai Thủ tướng Yingluck là cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra.

Trong một diễn biến liên quan, một chiếc trực thăng đã thả nhiều tờ rơi cho người biểu tình nhắc nhở họ rằng lãnh đạo cuộc biểu tình Suthep Thaugsuban đang bị truy nã vì tội nổi dậy, người dân nên tránh xa ông Suthep và các vụ tụ tập trái phép.

Trước đó ngày 2.12, Tòa án hình sự Thái Lan đã ban hành một lệnh bắt giữ đối với ông Suthep về tội nổi loạn. Ông Suthep đã bị cáo buộc xúi giục hàng ngàn người biểu tình xâm chiếm các cơ sở chính phủ khác nhau, sử dụng vũ lực và vũ khí cũng như đe dọa những nhân viên chính phủ bảo vệ các trụ sở này. Lệnh bắt giữ cũng đã được ban hành đối với 4 nhà lãnh đạo khác của tổ chức “Mạng lưới các sinh viên và nhân dân về cải cách của Thái Lan” về tội xâm nhập và phá hoại tài sản của Bộ Ngoại giao.