Những chiếc giếng cổ là một bộ phận không thể thiếu của di sản văn hóa vật thể ở Hội An, góp phần tạo nên những giá trị độc đáo rất riêng trong đời sống người dân và văn hóa phố Hội. Giữa đời sống hiện đại, những chiếc giếng cổ vẫn đang góp cho đời những dòng nước mát ngọt và người dân đã không nỡ “phụ” giếng.
Những mạch nguồn ngọt mátGiữa phố cổ Hội An còn khoảng 80 giếng cổ, nổi tiếng hơn cả là giếng cổ Bá Lễ đã nghìn năm tuổi nhưng nước không bao giờ cạn, vẫn giữ được vị ngon ngọt và trong mát - giếng đã được công nhận là Di tích Lịch sử quốc gia.
Giếng cổ Bá Lễ nổi tiếng không chỉ với du khách trong nước mà cả trên thế giới. Khách du lịch Mỹ, Pháp… đến Hội An đều không ngần ngại thử uống ngay một ngụm nước ngọt, mát được múc lên từ giếng Bá Lễ. Người Hội An còn cho rằng, đến Hội An, thưởng thức món Cao Lầu hay chè xí, mà không một lần ghé giếng cổ Bá Lễ sẽ là một thiếu sót cho hành trình khám phá Hội An, bởi đây là nguồn nước để làm nên hai món ăn danh tiếng này.
Giếng Bá Lễ có cấu trúc hình vuông, thành giếng lát gạch mà không dùng vôi vữa kết lại, dưới chân là khung gỗ lim rộng bản., sâu khoảng 12m. Theo các nhà nghiên cứu thì giếng Bá Lễ có từ thời của người Chăm xưa (khoảng từ thế kỷ VIII-IX). Tương truyền khoảng vào thế kỷ XX, có một người đàn bà giàu có tên là Bá Lễ bỏ hơn 100 đồng tiền Đông Dương để trùng tu giếng Chăm này và từ đó giếng cổ có tên Bá Lễ.
Người dân Hội An bao đời nay vẫn quen dùng nước giếng cổ Bá Lễ cho những việc trọng đại như: thắp hương ngày rằm, mùng một, tắm cho trẻ khi mới chào đời, bởi họ tin rằng đứa trẻ nào được tắm bằng nước giếng Bá Lễ thì da dẻ sẽ hồng hào, trắng trẻo và đặc biệt là không bao giờ bị rôm sẩy... Bởi vậy, ở Hội An có nghề gánh nước thuê.
Có một cụ ông đã gắn bó với giếng cổ Bá Lễ gần hết một đời người, vẫn hàng ngày gánh nước len lỏi khắp các ngõ ngách của Hội An cho những ai có nhu cầu đó là ông Nguyễn Đường và vợ là bà Nguyễn Thị Mỹ. Gần 50 năm gánh nước ở giếng cổ Bá Lễ cho người dân phố Hội, để nuôi người con trai duy nhất bị bệnh tâm thần, bao nhiêu lượt gánh xuôi ngược, bao nhiêu cây số mà ông bà đã đi từ giếng cổ đến những ngôi nhà, trong những năm tháng qua thật khó đếm được. Chỉ biết rằng, đó là một hành trình dài như chính cuộc đời của ông bà, bền bỉ, nhọc nhằn với cái nghề mưu sinh song lại góp phần tạo nên nét đẹp trong văn hóa của người dân phố Hội.
Giữ hồn giếng cổHầu hết các giếng cổ ở Hội An phân bố tập trung ở khu vực dọc bờ bắc sông, trong khu phố cổ, số còn lại nằm rải rác ở nhiều nơi. Về cơ bản giếng cổ ở Hội An có 3 kiểu dáng: hình tròn (chiếm đa số), hình vuông, trên tròn dưới vuông, số ít còn lại là các hình dáng khác như hình lục giác. Tuy nằm rất gần sông nước mặn nhưng nước ở các giếng cổ này mát ngọt tự nhiên không gì sánh nổi, mực nước luôn cao và ổn định kể cả những ngày nắng hạn.
Chất liệu để xây các giếng cổ ở Hội An giống nhau, chủ yếu là gạch, đá. Tuy có nhiều kiểu dáng khác nhau, nhưng tất cả các giếng có chung đặc điểm trong xây dựng đó là có khung gỗ vuông (bằng lim) ở dưới thành gạch. Khung gỗ này giữ vai trò quan trọng đảm bảo tuổi thọ của giếng, giữ cho thành giếng ổn định lâu dài không bị sụt lún. Điều đặc biệt, trên các giếng này đều có các bàn thờ để thờ “thần giếng”. Đây là một yếu tố tâm linh của cư dân Hội An cổ. Họ quan niệm rằng mỗi chiếc giếng có một vị thần bảo hộ.
Giữa thời của nước máy, nước giếng khoan, hiếm còn hình ảnh người dân dùng chiếc gàu để múc từng thùng nước giếng. Bởi vậy, nhiều chiếc giếng cổ đang bị xuống cấp, lãng quên. Nhưng cùng với giếng cổ Bá Lễ, những chiếc giếng cổ khác như giếng cổ của các gia tộc: họ Trần, họ Lưu… vẫn đang tồn tại như một mạch nguồn nhắc nhở người dân Hội An về bề dày của lịch sử, văn hóa vùng đất này.
Ông Trần Vinh – 77 tuổi ở phố Trần Hưng Đạo kể: Cái giếng của gia tộc đã gắn liền với cả dòng họ Trần ngay từ ngày đầu lập nghiệp trên mảnh đất này, cách đây đã ngót 200 năm. Cả tộc Trần, hàng chục hộ gia đình đều dùng nước để sinh hoạt ở chiếc giếng này qua bao đời. Ở cái tuổi xưa nay hiếm, ông Trần Vinh vẫn nhớ thời thơ ấu, mỗi buổi chiều tà, ông đều ra giếng gánh nước phụ mẹ làm cao lầu bán đêm.
Từng giọt nước trong veo của cái giếng thấm vào những sợi mỳ làm cho món cao lầu của mẹ ông được nhiều người ưa chuộng. Giờ cái giếng của gia tộc ông Vinh đã bị cây cối che phủ bởi không được dùng thường xuyên, nhưng ông Vinh bảo, ở đâu đó, trong giấc ngủ, ông vẫn thấy hình ảnh mẹ mình bên gánh mỳ cao lầu cùng những gầu nước mát dội vào người trong đêm hè từ chiếc giếng ấy.
Với bề dày lịch sử vài trăm năm, những chiếc giếng cổ đã và đang gắn với lịch sử, văn hóa, tâm thức của bao thế hệ người dân phố Hội. Một tín hiệu vui, giữa tháng 7 vừa qua, sau nhiều đợt khảo sát, nghiên cứu Trung tâm Quản lý và bảo tồn di tích Hội An đã tập trung khoanh vùng bảo vệ và quản lý 80 giếng cổ ở Hội An.
Đối với những giếng đang được sử dụng (khoảng 50% số giếng cổ hiện nay) thì vẫn để sử dụng theo hướng bảo vệ nghiêm ngặt, hướng dẫn, tuyên truyền người dân không được xâm hại đến các giếng cổ. Đối với những giếng bị hư hỏng, Trung tâm sẽ khoanh vùng bảo vệ và có hướng nghiên cứu bảo tồn, trùng tu một cách khoa học và hợp lý nhất.