Từ ngày 18-23.9, các lực lượng chức năng Thanh Hoá đã phát hiện và thu giữ hàng chục tấn măng khô có dùng bột lưu huỳnh (diêm sinh) để sấy và bảo quản. Theo các chuyên gia về hóa chất, nếu dùng quá mức chất này sẽ gây ngộ độc máu...
Măng tươi, măng khô đều có lưu huỳnh
Cơ quan quản lý thị trường Thanh Hóa đã thu giữ 530kg măng sợi khô đã hấp qua lưu huỳnh và 118kg lưu huỳnh dùng để sấy măng ở hai cơ sở chế biến măng khô của ông Phạm Ngọc Mạnh ở thôn 4 và cơ sở của ông Đỗ Mạnh Hiền ở thôn Minh Thành 1 (xã Xuân Bái, huyện Thọ Xuân). Trước đó, ngày 23.9, ngành chức năng cũng tạm giữ Hà Văn Liêm (trú tại xã Thiên Phú, huyện Quan Sơn) và thu giữ 25 tấn măng tươi có ướp lưu huỳnh.
Lực lượng QLTT phát hiện, thu giữ măng khô sấy lưu huỳnh ở xã Xuân Bái (Thọ Xuân, Thanh Hóa). |
Hà Văn Liêm khai nhận: “Sau khi thu mua măng của bà con đồng bào các dân tộc ở các huyện miền núi, tôi đưa về sơ chế bằng hóa chất xong sẽ đem đi tiêu thụ trong và ngoài tỉnh. Nhờ xử lý bằng lưu huỳnh, nên măng luôn có màu tươi đẹp mắt, đặc biệt có thể để nhiều tháng vẫn không bị úng, hôi thối…”.
Thông tin “măng lưu huỳnh” khiến nhiều người dân hoang mang. Bà Hoàng Thị Hiền, ở phường Đông Sơn, TP. Thanh Hóa- là người hay đi chợ, mua măng khô về cho gia đình ăn, cho biết: “Khi con gái tôi đọc báo, xem ti vi thấy thông tin về măng khô bị sấy bằng bột lưu huỳnh, thì từ đó tôi không dám mua măng về cho gia đình ăn nữa”.
Tuy nhiên theo quan sát của chúng tôi, hiện nay ở các chợ trên địa bàn TP. Thanh Hóa và các chợ huyện, vẫn có rất nhiều người bán măng khô, với các loại, như: Măng khô miếng, măng khô sợi xé nhỏ. Còn thực chất ở trong măng có dùng lưu huỳnh, hoặc hóa chất khác để ngâm, sấy khô hay không thì chưa ai biết.
Cần có hướng dẫn
Trước thông tin măng khô, măng tươi có sử dụng lưu huỳnh để bảo quản, chống mốc, kỹ sư hóa Hà Văn Vợi - Giám đốc Trung tâm Hữu cơ, Viện Hóa học Công nghiệp Việt Nam khẳng định, lưu huỳnh (diêm sinh) có thể dùng để chống mốc trong thực phẩm.
Kỹ sư Vợi nói: “Lưu huỳnh có thể dùng làm chất bảo quản trong rượu vang và làm khô hoa quả. Thế nhưng, nó chỉ an toàn khi sử dụng một lượng rất nhỏ (tính theo phần nghìn mg), nếu dùng số lượng lớn, sử dụng ở nồng độ cao thì sẽ phản ứng với hơi ẩm để tạo ra axít sulfurơ có thể gây tổn thương cho phổi, mắt hay các cơ quan khác, cản trở sự hô hấp, thậm chí gây nhiễm độc máu”.
Kỹ sư Vợi lo ngại, khi sử dụng bột lưu huỳnh, bà con cho theo cảm tính nên có thể cho rất nhiều. Hiện tại chưa ai biết người sơ chế măng ở Thanh Hóa cho bao nhiêu lưu huỳnh vào măng nên rất cần xét nghiệm.
Kỹ sư Hà Văn Vợi cho biết:
“Ở nhiều vùng nông thôn, bà con xử lý các thực phẩm khô bằng cách sấy trên than, trên bếp lửa, rất nguy hại. Vì thế, bà con có thể học cách làm ở các làng sấy nhãn, vải là xây dựng các lò tập trung, hoặc kêu gọi doanh nghiệp thu gom măng đầu tư lò sấy để đảm bảo việc sấy và bảo quản đúng quy cách, an toàn”.
Tương tự, tiến sĩ Hóa học Nguyễn Thị Sơn (khoa Hóa, Đại học Khoa học tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội) cũng khẳng định:
“Lưu huỳnh dùng để chống ẩm mốc nếu sử dụng ít thì không độc nhưng nếu sử dụng quá nhiều hoặc rắc trực tiếp thì bản thân người sơ chế cũng có thể nhiễm độc đường hô hấp. Còn với người ăn, khi lưu huỳnh vào cơ thể kết hợp với kim loại nặng trong cơ thể tạo thành hợp chất sunfua gây độc, vào dạ dày kết hợp với axit tạo thành hợp chất tích tụ ở dây thần kinh gây đau đầu”.
Tuy nhiên, tới chiều 25.9, ông Nguyễn Văn Sang- Đội trưởng đội Quản lý thị trường số 9 (thuộc Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Thanh Hóa) cho biết, sau khi lập biên bản vi phạm quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm và tạm giữ tang vật là hàng tấn măng khô có tẩm lưu huỳnh, cơ quan QLTT đã gửi mẫu đi xét nghiệm và giám định để làm căn cứ xử phạt người vi phạm.
Đến thời điểm này chưa có kết quả giám định. Còn ông Đỗ Xuân Trường- Giám đốc Trung tâm Kiểm nghiệm và chứng nhận chất lượng nông, lâm, thủy sản Thanh Hóa thì cho hay: “Vì không có máy móc nên ngay cả có mẫu chúng tôi vẫn phải gửi đi T.Ư để xét nghiệm. Trước mắt, chúng tôi khuyến cáo người tiêu dùng nên sử dụng các sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ...”.
Hồng Đức - Huyền Lê