Không còn đất sản xuấtDự án thủy điện Sông Nam - Sông Bắc do Công ty cổ phần Thủy điện Geruco Sông Côn (gọi tắt là công ty GSC, thuộc Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam) làm chủ đầu tư. Dự án có tổng vốn đầu tư 1.400 tỷ đồng, công suất 49,2 MW, được xây dựng trên nhánh sông Nam và sông Bắc, đầu nguồn sông Cu Đê. Dự án theo kế hoạch sẽ hoàn thành vào cuối năm 2014. Thế nhưng, 3 năm sau ngày khởi công, dự án vẫn “giẫm chân tại chỗ”. Đơn vị thi công sau khi san ủi đường công vụ, kéo đường dây điện, đã bỏ dở dang dự án.
Dự án thủy điện “treo” khiến đời sống của người dân rất khó khăn.
Để xây dựng dự án này, chủ đầu tư lấy gần 950ha đất rừng, trong đó có 300ha đất rừng sản xuất của gần 120 hộ dân ở 2 thôn Tà Lang và Giàn Bí (xã Hòa Bắc). Đến nay, một số hộ dân nằm trong khu vực giải tỏa để làm đường công vụ và kéo điện mới nhận được tiền đền bù đợt 1. Còn lại hầu hết các hộ dân trong vùng dự án vẫn chưa nhận được đồng nào. Ông Đinh Ngọc Khanh, người dân ở thôn Tà Lang, cho biết: “Lâu nay cuộc sống gia đình tôi chỉ dựa vào 4ha đất rừng. Giờ dự án thủy điện lấy hết, nhưng 5 năm nay chưa đền bù. Đất thì bỏ hoang mà người dân thì thất nghiệp. Bà con mong muốn, nếu dự án thủy điện chưa thi công thì để cho bà con sản xuất. Tại sao thu hồi đất rồi bỏ không, khiến cho hàng trăm ha đất rừng thành hoang dại?”.
Không có đất để sản xuất, hàng ngày bà con dân tộc Cơ Tu ở thôn Tà Lang và Giàn Bí phải vào tận rừng sâu chặt đót, kéo mây gùi về bán kiếm tiền. Nhiều gia đình đang đứng trước nguy cơ thiếu đói. Nhiều người dân còn cho rằng, "Không còn đất sản xuất nữa, chắc chắn chúng tôi lại phải đi phá rừng để làm nương rẫy thôi, vì biết làm gì khác khi cái đói đe dọa trước mắt...”.
Vướng quy địnhNgười dân địa phương càng bất bình khi gần 3 năm qua, hàng trăm tấn vật liệu tập kết lên công trường chỉ để xây 10 cây trụ điện. Hiện tại, trên công trình của dự án cả ngàn tỷ đồng này cũng chỉ là những cây trụ điện đứng bơ vơ, và mấy chục thanh dầm thép nằm lăn lóc xen lẫn cỏ dại.
Ông Tăng Hữu Phúc – Chủ tịch UBND xã Hòa Bắc, cho biết: “Dự án Thủy điện Sông Nam - Sông Bắc triển khai trên địa bàn xã, nhưng chính quyền địa phương không nắm được kế hoạch, tiến độ, thời gian thi công. Thời gian thực hiên quá dài mà không tiến hành giải tỏa đền bù, trong khi người dân không có đất sản xuất, cuộc sống khó khăn.
Ông Trần Viết Phương- Phó Giám đốc Sở NNPTNT TP.Đà Nẵng, cho rằng vướng mắc hiện nay là việc chủ đầu tư (Công ty CP Thủy điện Geruco Sông Côn – GSC) vẫn chưa có kế hoạch triển khai xây dựng các móng trụ điện và thi công đấu nối đường dây dẫn điện trên không mạch kép 110kV nên Ban quản lý (BQL) rừng đặc dụng Bà Nà-Núi Chúa chưa có kế hoạch phối hợp giải phóng mặt bằng. Đồng thời, trong việc thu hồi rừng để xây dựng thủy điện, số liệu “chênh” nhau. Cụ thể, tổng diện tích đất các công trình dự án được UBND thành phố phê duyệt là 948,41ha nhưng trong phương án thu hồi rừng thì diện tích lên hơn 1.106ha. Thứ hai là vướng ở phương án trồng rừng thay thế diện tích thủy điện. Ngoài ra, công tác giải tỏa đền bù đến nay vẫn chưa thực hiện được. |
Bà Trần Thị Oanh - Tổng Giám đốc GSC cho rằng, công ty đã bỏ ra 100 tỷ đồng đầu tư ban đầu cho dự án. Công ty quyết tâm thực hiện dự án này, tuy nhiên thành phố cũng cần làm rõ và chặt chẽ hơn các vướng mắc về thủ tục để công ty có thể tiến hành các công trình tiếp.
Ông Phùng Tấn Viết - Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng, vừa yêu cầu rà soát nghiêm túc tổng thể các vấn đề liên quan trong dự án để thành phố giải quyết, bảo đảm đi dời tái định cư cho dân trước mùa mưa, chấm dứt tình trạng “giẫm chân” gây khó khăn cho người dân...