Dân Việt

Kiều bào tìm kiếm cơ hội đầu tư, hợp tác làm ăn

27/09/2012 08:52 GMT+7
(Dân Việt) - Hôm nay (27.9), Hội nghị người Việt Nam ở nước ngoài lần thứ hai với chủ đề “Tầm nhìn đến năm 2020 - Cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài hội nhập và phát triển cùng đất nước” sẽ chính thức khai mạc tại TP.HCM.

Theo Ủy ban Người Việt Nam ở nước ngoài, hiện có khoảng 4,5 triệu người Việt Nam đang sinh sống và làm việc tại 104 quốc gia, vùng lãnh thổ. Trong quá trình hội nhập sâu rộng, kiều bào đóng vai trò quan trọng trong phát huy bản sắc văn hóa dân tộc của nước ta tại các quốc gia trên thế giới một cách thiết thực, và hiệu quả.

img
Bất động sản là lĩnh vực nhiều Việt kiều quan tâm (ảnh minh họa).

Trong những năm gần đây lượng kiều hối gửi về Việt Nam mỗi năm tăng khoảng 10-15%. Tính chung, kiều hối và đầu tư từ cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài mỗi năm đạt xấp xỉ 20 tỷ USD. Riêng hai quý đầu năm 2012, lượng kiều hối mà người Việt ở nước ngoài gửi về đã đạt trên 6 tỷ USD và lượng kiều hối cả năm 2011 là trên 9 tỷ USD.

Ủy ban Nhà nước về Người Việt Nam ở nước ngoài đã trình Chính phủ đề án chính sách thu hút kiều bào ở nước ngoài và xây dựng chính sách thu hút chuyên gia trong từng ngành. Chính phủ và Bộ Tài chính đang xem xét chính sách thu hút trí thức là Việt kiều. Dự kiến sắp tới sẽ có chương trình vinh danh kiều bào có thành tựu và đóng góp trong mọi lĩnh vực trên thế giới.

Theo ông Nguyễn Ngọc Mỹ (Việt kiều Australia) - Chủ tịch Tập đoàn Vabis, người có 20 năm kinh nghiệm đầu tư về Việt Nam, thì khi các doanh nhân Việt kiều về nước, họ không biết đầu tư vào đâu, đầu tư vào lĩnh vực nào cho hiệu quả. Vì vậy, để tìm được một lĩnh vực hay dự án đầu tư phù hợp, kiều bào thường mất rất nhiều chi phí, đặc biệt là thời gian để tìm hiểu.

Theo TS Hoàng Xuân Bình - Phó Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Việt Nam tại Ba Lan, cũng có một số tỉnh, thành phố trong nước có thông tin về các chính sách và danh sách dự án kêu gọi đầu tư, bao gồm cả các dự án kêu gọi đầu tư cho các hoạt động xã hội. Tuy nhiên, con số này không nhiều, hơn nữa, các dự án kêu gọi đầu tư thường là các dự án lớn, nằm ở vùng khó khăn, nên chưa được kiều bào quan tâm.

Theo ông Etcetera Nguyễn: “Sự hợp tác toàn diện giữa Mỹ và Việt Nam trong mối bang giao sẽ giúp cho khối Việt kiều ở Mỹ có dịp trở lại Việt Nam làm ăn, hồi hương là chỉ số tốt, dấu hiệu tốt... tạo điều kiện thuận lợi cho những đóng góp của kiều bào xa quê đối với đất nước và dân tộc”.

Ông Phạm Ngọc Chu - Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Việt Nam tại Hungary chia sẻ, dù Việt kiều về tận địa phương “dọn cỗ” sẵn với đường hướng hợp tác bán hàng sang châu Âu rất thuận lợi, chỉ với một yêu cầu đơn giản là cải tiến mẫu mã, bao bì, nhưng doanh nghiệp Việt Nam cũng không làm. Điều đó cho thấy, sự trì trệ trong tư duy của doanh nghiệp Việt Nam khiến việc kết nối đôi khi khó thành hiện thực.

Nhà báo Etcetera Nguyễn (Việt kiều Mỹ), cho biết lần này về tham dự Đại hội Việt kiều lần II, trong vai trò nhà báo, ông rất muốn được có dịp gặp gỡ các đại biểu Việt kiều từ nhiều nước khác nhau về tham dự. Sự kiện Ủy ban Người Việt Nam ở nước ngoài tổ chức cho khối kiều bào xa quê có dịp gặp nhau là cơ hội tốt để Chính phủ tìm hiểu được tâm tư, nguyện vọng của họ đối với đất nước. Đây cũng là dịp để Chính phủ và Việt kiều có dịp làm việc với nhau cụ thể hơn qua những trao đổi, mạn đàm, hội luận tại hội nghị.