Lửa là linh hồn vua bếp. Ngọn lửa châm vào đèn đặt trên bàn thờ lấy từ bếp nhà. Người miền núi giữ ngọn lửa trong bếp quanh năm. Nếu bếp mà tắt thì là điềm báo không may. Bếp lạnh khói tàn là căn nhà hoang mất rồi. Ngày mùng 1 tết người ta kiêng xin lửa nhà khác. Cho lửa là điềm mất lộc trong năm tới. Thắp hương lấy từ lửa bếp là tiếp ngọn lửa nguồn của đời cha ông để lại, ý nghĩa rất sâu xa.
Thế giới rước lửa lấy từ Olympia vào ngọn đuốc cho thế vận hội không biết có xuất xứ nào từ câu chuyện giữ lửa của người phương Đông hay không. Nhưng việc đó cũng rất ý nghĩa cho việc đánh thức tinh thần đua tranh ở Olympic.
Thắp hương từ diêm, từ bật lửa là thứ lửa không nguồn gốc, tổ tiên khó biết mà chấp nhận. Thế mới biết cái gọi là cội nguồn văn minh nó ẩn sâu ngay trong sinh hoạt gia đình, có khi bắt nguồn ban đầu chỉ là thói quen, sau nó chuyển dần nội dung có ý nghĩa giáo dục.
Những cái đó giờ dần mất vì đời sống được cải thiện, bếp than giữ lửa chỉ còn ở vùng núi sâu và xa. Người phố phường từ lâu ít dùng củi lửa mà có bếp gas, bếp điện thuận tiện, nhanh chóng. Cái nùn rơm để giữ lửa của người đồng bằng giờ cũng không còn. Vì vậy mà những câu chuyện nhỏ như việc thắp nén nhang lấy lửa từ đâu không ai còn nhớ. Sự phôi pha ấy bắt nguồn từ sự phát triển kinh tế, con người sống nhanh và thực dụng.
Cho nên giáo dục về nguồn cội để con người sống có văn minh mà không quên nguồn cội cần nằm trong giáo dục phổ thông. Hãy để ý tới nguồn văn hóa từ đời sống gia đình cho trẻ nhỏ, chứ đừng vung vít thứ giáo dục không chằng không gốc, để rồi ngày nay có một thế hệ mê tín đến mê muội. Sống lừa lọc, kiếm chác vô lối rồi cuống quýt dâng sao giải hạn, hàng năm đi đền đi chùa vàng mã tứ tung, tốn tiền triệu rồi về cuộc sống cộng đồng vẫn hành xử thất đức như thường, thì khác gì châm hương bằng diêm, bằng bật lửa - thứ lửa không có cội nguồn từ đời sống tổ tiên.