Có hoài bão, sẽ thành công Là một trong những người đặt chân vào Lâm Hà đầu tiên, ông Vũ Mộng Lân quê ở Nghĩa Đô (Cầu Giấy, Hà Nội) kể: “Tôi đến đây đợt đầu, gồm 9 hộ gia đình và 108 đoàn viên. Lúc mới đến, núi rừng hoang vu, heo hút lắm, chưa kể đây còn là căn cứ của bọn phản động Fulro, đường sá xa xôi nhỏ hẹp nên trở thành nơi tụ tập của nhiều đối tượng có lệnh truy nã, có lúc trở thành điểm “nóng” về an ninh trật tự của Lâm Đồng”.
Vượt qua những khó khăn, thiếu thốn chồng chất đó, những người dân từ Thủ đô đã lao động cần cù trên quê hương mới, biến những triền đồi hoang thành những vườn cà phê xanh tốt bạt ngàn. Sau hơn 10 năm khai hoang, vỡ đất, ngày 28.10.1987, huyện Lâm Hà chính thức thành lập (được ghép lại từ 2 địa danh Hà Nội - Lâm Đồng), diện tích 94.000ha. Một nửa số diện tích này là đất nông nghiệp, trong đó có 42.000ha cây công nghiệp, 1.650ha lúa nước, 1.300ha mặt nước nuôi thủy sản, khoảng 22.010ha rừng…
Trung tâm huyện Lâm Hà.
Theo ông Trần Văn Tự - Chủ tịch UBND huyện, hiện Lâm Hà có 3 cây trồng chủ lực là cà phê, chè và dâu tằm, riêng cà phê chiếm gần 40.000ha, với hơn 30% diện tích cho năng suất 5 - 6 tấn/ha. Năm 2012, thu nhập bình quân đầu người trong huyện là 29 triệu đồng/người/năm, năm 2013 dự kiến đạt 32 triệu đồng/người/năm.
Hầu hết những người đến đây lập nghiệp đều mang theo hoài bão làm giàu trên vùng đất mới, nay gặp điều kiện thuận lợi nên đã phát huy được tài năng, trí tuệ, sự cần mẫn, từ đó vươn lên làm giàu. Bây giờ, từ huyện đến trung tâm các xã đều có đường ô tô rộng rãi, giao thông liên thôn, liên xã thuận lợi; hệ thống thương mại dịch vụ đã được mở rộng tới cả những thôn, buôn xa xôi nhất…
Giữ vững nếp văn hóaHiện, khu Nam Ban được xem như là “cố đô” của người Hà Nội trên đất Lâm Hà, gồm xã Gia Lâm, Đông Anh và thị trấn Nam Ban. Anh Nguyễn Chung- cán bộ văn hóa thị trấn Nam Ban khoe: Sau khi triển khai Chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM), Nam Ban đã có những chuyển biến rõ rệt, trở thành vùng trọng điểm kinh tế lớn thứ 2 của huyện, sau thị trấn Đinh Văn.
Đặc biệt, những người gốc Hà Nội về đây lập nghiệp đã xem Nam Ban là quê hương thứ hai của mình. Họ mang tất cả nét hào hoa, các phong tục văn hóa của Hà Nội theo, nên dù tất bật làm kinh tế, họ vẫn gìn giữ những nét đẹp ấy như một phần tất yếu của cuộc sống. Hiếm có nơi nào như Lâm Hà, khi người dân ngày ngày lên rẫy, tối về lại nô nức tụ tập ở nhà văn hóa để làm thơ, bàn chuyện bảo tồn văn hóa, xây dựng nếp sống văn minh…
Huyện Lâm Hà hiện có 4 xã đạt từ 12-14 tiêu chí, 6 xã đạt 8–11 tiêu chí, 3 xã đạt từ 6-7 tiêu chí, 1 xã đạt 5 tiêu chí.
|
Ông Trần Văn Tự cho biết, sau 3 năm triển khai xây dựng NTM, hạ tầng kinh tế nông thôn huyện Lâm Hà đã được đầu tư khá đầy đủ, đời sống người dân được cải thiện rõ rệt, bộ mặt nông thôn ngày càng đổi mới.
Từ nguồn vốn của Chương trình NTM và nguồn vốn lồng ghép, toàn huyện đã bê tông được gần 30km đường nông thôn, xây dựng 1 cây cầu, 6 nhà sinh hoạt cộng đồng và 2 trường học. Tổng vốn đầu tư tính đến tháng 6.2013 là 97 tỷ đồng, trong đó huy động từ nhân dân được 7,4 tỷ đồng.