Chưa đầy nửa tháng kể từ khi ban hành Thông tư 36 về việc công nhận giống vật nuôi mới và đưa vào “Danh mục bổ sung giống vật nuôi được phép sản xuất, kinh doanh tại VN”, Bộ NNPTNT đã phải vội vàng có công văn thu hồi thông tư này vì lý do “sơ xuất về kỹ thuật”. Quyết định này đang khiến nhiều nhà khoa học băn khoăn.
Quyết định gây nhiều tranh cãiTheo Thông tư 36 do Thứ trưởng Bộ NNPTNT Vũ Văn Tám ký ngày 23.7, có ghi rõ: Công nhận giống vật nuôi mới đưa vào “Danh mục bổ sung giống vật nuôi được phép sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam- tên tiếng Việt: Chồn nhung đen (tên khoa học: Cavia porcellus); thông tư có hiệu lực thi hành kể từ ngày 8.9.
Tại Việt?Nam hiện có 90 hộ và hơn 200 cơ sở chăn nuôi với khoảng 10.000 con chồn nhung đen.
Trước đó, cũng chính Bộ NNPTNT đã có Thông tư số 33 ngày 20.7.2012 quy định điều kiện vệ sinh, bảo đảm an toàn thực phẩm đối với các cơ sở kinh doanh thịt và phụ phẩm động vật ở dạng tươi sống... và Thông tư số 34 ngày 20.7.2012 "Quy định điều kiện vệ sinh, bảo đảm an toàn thực phẩm đối với cơ sở thu gom, bảo quản và kinh doanh trứng gia cầm ở dạng tươi sống dùng làm thực phẩm" cũng đã phải ngừng hiệu lực thi hành do không khả thi.
Theo TS Phạm Công Thiếu - Phó Viện trưởng Viện Chăn nuôi: “Kết quả khảo nghiệm chồn nhung đen đã tiến hành đầy đủ các thủ tục và báo cáo lên Cục Chăn nuôi, nhưng không hiểu vì sao Bộ NNPTNT đã ban hành thông tư cho phép sản xuất, kinh doanh vật nuôi này rồi lại có quyết định thu hồi. Hiện chúng tôi cũng đang rất thắc mắc về quyết định này”.
Cùng chung nhận định trên, TS Vũ Ngọc Sơn - Giám đốc Trung tâm Thực nghiệm bảo tồn vật nuôi (Viện Chăn nuôi) nói: “Không biết vì sao Bộ lại rút lại thông tư này. Chúng tôi đã tiến hành khảo nghiệm trong 3 năm và đánh giá khả năng xâm hại tới môi trường; hiệu quả sản xuất kinh doanh; hướng sử dụng... làm rõ 10 vấn đề về vật nuôi này và báo cáo đầy đủ lên Cục Chăn nuôi. Sau đó, thông qua Hội đồng khoa học cũng đã thống nhất cho phép sản xuất kinh doanh giống vật nuôi này rồi. Không hiểu vì sao lại có quyết định rút lại, chưa cho phép sản xuất, kinh doanh”- ông Sơn nói.
Chưa có lý giải cụ thểTrao đổi với NTNN, ông Nguyễn Xuân Dương - Phó Cục trưởng phụ trách Cục Chăn nuôi (Bộ NNPTNT) cho biết: “Chúng ta cần một thời gian nữa đánh giá trong thực tế. Còn hiện tại chưa thể nói được vì sao thu hồi”. Ông Dương cũng cho biết, hiện có hơn 90 hộ và hơn 200 cơ sở nuôi với hơn 10.000 con chồn nhung đen. Như vậy, những giải thích của cơ quan quản lý nhà nước đến nay vẫn chưa rõ ràng, còn 90 hộ đang nuôi chồn nhung đen thì vẫn lo âu, thấp thỏm, không biết loài vật nuôi này tới đây sẽ như thế nào. Hiện tại, nuôi không biết bán cho ai và nuôi chồn nhung vẫn mang tiếng là “nuôi chui”.
Theo TS Võ Văn Sự - Chi hội Động vật quý hiếm Việt Nam (Hội Chăn nuôi Việt Nam), trong hàng vạn các loại động vật, có 42 loài được thuần hóa, trong đó Việt Nam hiện đang sử dụng 20 loài chính. Chồn nhung là một loại vật nuôi đã được FAO công nhận, lúc đầu được sử dụng làm động vật cảnh, làm vật thí nghiệm và sau đó chuyển sang nuôi lấy thực phẩm, được nuôi ở rất nhiều nơi trên thế giới như châu Mỹ, châu Phi, trong đó, Peru là nước nuôi nhiều nhất, chiếm khoảng 10% sản lượng thịt chồn nhung trên thế giới. Ở Việt Nam, nhiều hộ có ý tưởng nuôi từ những năm 2000 nhưng đến 2004 có một số hộ ở Lạng Sơn, Quảng Ninh đã chính thức nuôi loại vật nuôi này và đến 2007 Viện Chăn nuôi đã tiến hành khảo nghiệm.
Hiện có hơn 90 hộ và hơn 200 cơ sở nuôi với hơn 10.000 con chồn nhung đen đang lo âu, thấp thỏm, không biết loài vật nuôi của họ tới đây sẽ ra sao.
|
Chồn nhung là loài vật nuôi dễ nuôi, có thể tận dụng thức ăn là cỏ có sẵn ở một số địa phương; thịt thơm ngon gần giống với thịt thỏ; với trọng lượng gần 1kg, chỉ cần bán với giá 100.000 đồng là người nuôi đã có lãi. “Tôi cũng tham gia Hội đồng đánh giá khảo nghiệm chồn nhung đen với 75% các đại biểu đồng ý nên Bộ mới đưa ra quyết định cho phép sản xuất kinh doanh nhưng không hiểu vì sao lại thu hồi thông tư”- TS Sự nói.