Dân Việt

Lớn lên cùng báo “nhà nông”

Minh Yến 02/12/2013 06:57 GMT+7
Tôi chưa khi nào coi Báo Nông Thôn Ngày Nay (NTNN) chỉ đơn thuần là một nơi làm việc. Cũng không thể gọi tên một cách chính xác hình ảnh của tờ báo này trong tôi. Thực sự đó là nơi tôi muốn đến hàng giờ, sống hàng phút, thở hàng giây và cùng lớn lên từng ngày...
Đi để hiểu hết yêu thương

Báo NTNN với tôi, như một cái tổ ấm áp và gần gũi, nhưng kỳ lạ là càng lớn, tôi càng thấy nó bao la hơn, sâu thẳm hơn… Tôi vẫn thường tự hào nói với tất cả các bạn đồng môn của mình: “Tớ lớn lên cùng NTNN”. Điều đó đúng, theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng!

Năm 2007, tôi ra trường, bước vào trụ sở NTNN với tâm lý của cô sinh viên trường báo có phần cao ngạo. Cao ngạo bởi cái tư tưởng mà tôi tin 9/10 cô cậu sinh viên mới ra trường như tôi ngày đó đang găm trong đầu: Phải tìm một tờ báo lớn để dụng võ; Phải tìm một môi trường làm việc thật chuyên nghiệp thì mới hy vọng có thể trưởng thành... Tất nhiên, cái khái niệm “tờ báo lớn” trong tôi lúc đó, đơn giản là những cái tên rất “oách” mà tôi được nghe, được biết hàng ngày…

Tác giả Minh Yến trên đường đi tác nghiệp tại Phình Giàng (Điện Biên).
Tác giả Minh Yến trên đường đi tác nghiệp tại Phình Giàng (Điện Biên).

Quả thật, ở tờ báo này, không ai dạy tôi phải làm như thế nào để có thể trở thành một “nhà báo lớn”. Việc của tôi và cũng là việc mà tôi thường thấy ở các đàn anh, đàn chị của mình ở đây làm là: Xách ba lô lên, đi và… cảm nhận. Tôi đã từng rơi nước mắt khi lạc lõng, lúng túng giữa những miền đất xa lạ.

Tôi từng buồn thê thiết khi thấy mình ngơ ngác và đơn độc trong những cuộc hành trình xa ngái và không phải là không tiềm ẩn những hiểm nguy… Thậm chí, có những lúc cảm gió, nôn thốc tháo rồi nằm co ro giữa Đồn Biên phòng Loóng Sập (Sơn La), những khi ngồi khóc như một đứa trẻ giữa cánh đồng vắng vẻ khi trời đã sẫm tối vì bị mấy cậu bé chăn trâu ở Nam Định đùa dai chỉ đường đi xe máy ra tận ruộng mà không có đường quay đầu.

Và những khi chẳng cầm lòng nổi, đành vừa suỵt soạt mì tôm vừa gõ bài gửi tòa soạn để rồi sau đó “ông anh đại tràng” dằn dỗi cả tháng trời… Tôi đã từng nghĩ “sao vì mấy đồng nhuận bút mà mình phải khổ sở thế? Có nhất thiết là phải đi thì mới viết được hay không?”.

Vì tôi hiểu, có nhiều cách để có được một bài viết và có nhuận bút nếu coi viết lách đơn giản là một cái nghề kiếm sống. Nhưng rồi, tôi vẫn phải đi như bất cứ phóng viên trẻ nào về với tờ báo này… Viết theo những cuộc hành trình, đi và viết!

Nhưng cũng chính những tháng ngày lấm chút bụi đường ấy đã khiến tôi nhận ra rằng, mình đã lớn, đã thực sự trực tiếp hiểu và cảm nhận cuộc đời rộng lớn này. Và khi thấy bàn tay mình có thể rút nhanh khỏi chiếc găng tay len ấm, thò xuống từng vũng nước giá buốt hiếm hoi bên những cánh đồng nứt nẻ ở Hưng Yên để thấu cái lạnh cắt da của người đi làm đồng mùa giá rét.

Thấy đôi chân mình có thể bước nhanh trên những vạt đường đá răm theo giáo viên cắm bản ở Lào Cai để lần theo những nhọc nhằn của con chữ nơi vùng cao. Thấy có thể dằn lòng rút ra đồng tiền cuối cùng trong ví biếu cho bà mẹ nghèo đang chạy đôn chạy đáo vì 200.000 đồng mua sách giáo khoa cho con đầu năm học mới ở Hà Nam... những con chữ của tôi đã biết khóc, tôi cũng đã khóc. Khóc vì đã có được người thầy lớn là cuộc sống dạy cho tôi biết yêu con người, biết viết vì tình yêu con người.

Nặng chữ và nặng tình


Tôi hãnh diện vì đã may mắn khi có tuổi đời bằng tuổi tờ báo thân yêu này của tôi (1984). Và như các cụ hay nói về cái tuổi Giáp Tý ấy, tôi hiểu hết các thăng trầm của nó và nó hiểu cho những thăng trầm của tôi, trong cả nghề, trong cả đời.

"Nếu đến một ngày nào đó, có một người bất kỳ nào đó nói về tôi bằng 2 chữ “nhân văn”, tôi sẽ gửi tặng lại nó cho NTNN – người thầy nghề vĩ đại, người thầy đời đáng kính của tôi!”.
Minh Yến

Những ngày đầu mới bước chân về NTNN, tôi rất ngạc nhiên sao cơ quan này lắm nhân vật “kỳ quái” đến thế? Họ ít xuất hiện ở cơ quan, ít viết bài trên mặt báo. Họ giản dị khó tả với những dáng vẻ cũ kỹ, xa xôi… Nhưng cả cơ quan, từ “sếp lớn” cho đến bác bảo vệ, cô lao công đều tỏ ra rất trân trọng và dành cho họ một sự mến thương đặc biệt.

Sau này tôi mới hiểu, đó là những người đã đóng góp những viên gạch đầu tiên để xây dựng nên tờ báo NTNN, những câu chuyện nghề của họ đã trở thành những giai thoại trong gia đình NTNN. Và đó thực sự là những bài học quý dành cho chúng tôi. Nó đập lại hoàn toàn cái định kiến về “nghề bạc bẽo” mà tôi từng nghĩ khi bước vào nghề báo. NTNN chưa bao giờ quên những cây bút đã một thời sung sức… ngay cả khi, họ chỉ còn là những tượng đài quá vãng.

Có khi, tất cả chúng tôi cũng lắt lay vì chuyện cơm gạo, cả cơ quan phải thắt lưng buộc bụng để tồn tại trong thời buổi kinh tế suy thoái nhưng chưa ai bị vô cớ gạt ra khỏi mâm cơm của “gia đình lớn” này.

Bài học đầu trong nghề và trong đời mà tôi nhận được từ đây là sự trân quý đối với quá khứ và lòng thương mến đối với hiện tại. Và chỉ khi, sự nhân ái trong con tim của những người cầm bút không còn, dòng chữ họ viết ra mới cạn khô và vô giá trị. Tôi chưa đủ lớn và NTNN của tôi cũng vẫn còn quá trẻ. Có thể ở cái tuổi 40, 50, tôi sẽ không còn nói về NTNN với những lời vụng dại như lúc này nữa. Nhưng nếu đến một ngày nào đó, có một người bất kỳ nào đó nói về tôi bằng 2 chữ “nhân văn”, tôi sẽ gửi tặng lại nó cho NTNN – người thầy nghề vĩ đại, người thầy đời đáng kính của tôi!