Dân Việt

Bolivia- Brazil "nóng" chuyện ngoại giao: Cuộc đào tẩu của Pinto

Diên Hy (Thế giới hội nhập) 08/09/2013 06:56 GMT+7
Quan hệ ngoại giao Bolivia-Brazil tuần qua căng lên, vì chuyện một nghị sĩ đối lập ở Bolivia bị buộc tội tham nhũng đã có thể qua Brazil, nhờ một nhà ngoại giao Brazil “tổ chức cuộc ra đi lén lút”, theo câu chữ trong cuộc chất vấn của chính phủ Bolivia.
Bolivia đòi phía Brazil giải thích vì sao chính khách cánh hữu Roger Pinto được giúp trốn khỏi Bolivia qua Brazil mà không được phép chính thức từ cả hai bên. Pinto nhập cảnh Brazil hồi cuối tháng 8 sau hơn một năm trốn trong Sứ quán Brazil ở La Paz và được Bộ Ngoại giao Brazil duyệt cho tị nạn chính trị, do ông ta nói gia đình ông ta đã nhận được những cú điện thoại dọa lấy mạng, vì ông ta tố cáo chính phủ Tổng thống (TT) Evo Morales tham nhũng.

Tướng Sanabria
Tướng Sanabria

Ngày 28.5.2012, Pinto (thủ lĩnh Đảng cánh hữu đối lập Convergencia ở Quốc hội Bolivia) xông vào Sứ quán Brazil ở thủ đô La Paz. Ở đó ông ta cho biết các quan chức chính phủ TT Morales tham nhũng, có quan hệ với bọn buôn lậu ma túy và ngược đãi nhân quyền. Ông ta cũng cho biết đã nhận nhiều lời dọa giết dù không cho biết ai gọi, và chính phủ TT Morales “khủng bố” bằng cách vu cáo ông ta phạm khoảng 20 tội hình sự.

Lúc đó, dù được cho phép tị nạn nhưng Pinto chỉ có thể đến Brazil khi có sự chấp thuận của chính phủ TT Morales. Nếu không được phép, Pinto sẽ có 2 “cửa” lựa chọn: từ bỏ quyền tị nạn và rời khỏi sứ quán, hoặc cứ việc thường trú dài hạn trong sứ quán. Đòn trả đũa của TT Morales là không mở “hành lang an toàn” cho Pinto ra đi, với lý do ông ta đang đối mặt với các tội danh hình sự gồm tham nhũng. Brazil nêu quyết định cho Pinto tị nạn là phù hợp luật quốc tế và Hiến pháp Brazil, nhưng TT Morales nói việc Brazil cho Pinto tị nạn là một “sai lầm”.

Chính phủ Bolivia phủ nhận thông tin Pinto bị tra tấn và nói những tố cáo của ông ta là “vô căn cứ”. Họ tố cáo Pinto mới là kẻ tham nhũng và cần bị truy tố hình sự vì gây tổn thất kinh tế cho đất nước khi Pinto giữ chức Thống đốc bang Pando ở miền bắc và giáp giới Brazil. Phía Bolivia nhấn mạnh Pinto là kẻ trốn tránh công lý và đáng bị dẫn độ.

Tướng cảnh sát buôn ma túy

Cho đến nay, nhân vật cao cấp nhất bị Pinto tố cáo là cựu Bộ trưởng Nội vụ Sacha Llorenti và Phó TT Alvaro Garcia. Cả hai đều biết những hoạt động buôn lậu ma túy của cựu tướng cảnh sát Rene Sanabria - người bị bắt tại Panama hồi tháng 2.2011 và đang ở tù tại Mỹ. Đến tháng 9 năm ấy, Sanabria bị tuyên án 15 năm tù vì chở nhiều tấn cocaine từ Bolivia (hiện là nước sản xuất cocaine lớn hàng thứ ba thế giới, sau Colombia và Peru) qua Chile vào Mỹ.

Pinto ở Brazil
Pinto ở Brazil

Vụ án này đặt dấu hỏi về tầm cỡ tham nhũng ma túy trong chính phủ Bolivia. Sanabria từng là một nhân vật thế lực, chỉ huy Cục Phòng chống ma túy cho đến năm 2009. Khi bị bắt, ông ta chỉ huy cánh tình báo trong Bộ Nội vụ. Ngành công tố Mỹ nói ông ta có một “đường dây” sĩ quan cảnh sát “biến chất” và 3 sĩ quan cấp trung đã bị bắt, một đại tá đang bị truy nã. Sanabria đã hợp tác với cơ quan điều tra Mỹ, có những lời khai “chống lưng” cho tố cáo của Pinto: một số thành viên chính phủ Morales có quan hệ với bọn buôn lậu ma túy.

Hồi tháng 5.2012, Sanabria cũng gửi kênh truyền hình Univision ở Miami (Mỹ) một lá thư nêu “chính phủ Morales từ chối mở cuộc điều tra các sĩ quan an ninh dính líu buôn lậu ma túy” và Llorenti có nhiệm vụ “nhấn chìm xuồng” cuộc điều tra này. Pinto đã phản ứng bằng cách đề nghị quốc hội lập một ủy ban để điều tra nội dung lá thư ấy.

Trước đó vào tháng 9.2011 (trước khi Sanabria bị tuyên án), Univision nói có được các tài liệu của tình báo Bolivia, rằng các tập đoàn buôn lậu ma túy Mexico, Colombia và Brazil “liên doanh” với khoảng 40 người Bolivia gồm các sĩ quan cảnh sát, luật sư, doanh nhân… nhưng Bộ Nội vụ Bolivia “làm ngơ” chứng cứ tham nhũng tràn lan này theo lệnh Bộ trưởng Llorenti. Sau thông tin trên, Llorenti tố cáo Pinto tuồn tài liệu quốc gia cho Univision. Pinto chối, nói ông ta đã trình chính phủ đơn tố cáo Llorenti nhưng ông ta không gửi cho “nhà đài”. Ông ta cũng tố cáo Llorenti ráng chối rằng Bolivia không phải là “quốc gia ma túy”.

Văn phòng Liên Hiệp Quốc phòng chống tội phạm và ma túy (UNODC) quan tâm tới thông tin của Univision, nói chính phủ Bolivia nên điều tra và lưu ý buôn lậu ma túy đóng góp từ 3 - 5% vào GDP của nước này. Từ lâu ở Bolivia đã có nhiều thành viên các lực lượng an ninh dính líu buôn lậu ma túy, với vụ lật đổ độc tài quân sự Garcia Meza (1980-1991) được gọi là “cú đảo chính cocaine” do ông ta “để lại di sản tham nhũng và ma túy trong quân đội”.

Cảnh sát Bolivia được cho là không dính líu, nhưng vụ Sanabria khiến người ta phải nghi ngờ nhận định này. Trong 6 năm qua, đã có 6 chỉ huy cảnh sát bị mất chức vì nhiều tai tiếng. Nhất là Oscar Nina bị cách chức năm 2011 do để xảy ra vụ Sanabria, và ông ta còn bị Sanabria tố cáo cũng có những hoạt động phi pháp. Tuy nhiên, TT Morales tuyên bố “các thế lực thù địch” dùng vụ Sanabria để bôi nhọ ông.

“Cuộc giải cứu thần kỳ”

Theo luật sư của Pinto, việc Pinto qua được Brazil là “một cuộc giải cứu thần kỳ”: vào ngày 23.8, một cán bộ cấp cao của sứ quán là Eduardo Saboia lái xe chở Pinto suốt 22 giờ trên con đường 1.600km từ La Paz đến biên giới Brazil, sử dụng quyền miễn trừ ngoại giao để không bị kiểm tra ở các chốt cảnh sát. Thông tin khác nêu có một chiếc xe chở lính thủy đánh bộ Brazil đi theo hộ tống.

Luật sư của Pinto nói cuộc chạy trốn khỏi Bolivia mà không có sự chấp thuận vì sức khỏe Pinto suy yếu và ông ta sợ bị bắt nếu ông ta vào bệnh viện ở Bolivia, do đã bị tuyên án 12 tháng tù về tội tham nhũng. Pinto nói ông ta sợ bị chèn ép do đã tỏ thái độ chống TT Morales. Theo chính phủ Bolivia, Pinto đối diện 14 tội danh, gồm tội vu khống.

Saboia đã bị triệu hồi về nước để giải trình về hành động này, Bộ Ngoại giao Brazil vốn cho biết họ đang điều tra vì sao Pinto qua được Brazil. Sau đó, vụ “giải cứu thần kỳ” có một “cái đầu bị chặt”: Ngoại trưởng Antonio de Aguiar Patriota 59 tuổi của Brazil phải nộp đơn từ chức với lý do “nhân viên dưới quyền không nghe lệnh”.

Saboia nhận trách nhiệm giải cứu vì thấy Pinto bị “nhốt” trong sứ quán đã tỏ ra suy nhược thần kinh, thường nghĩ đến chuyện tự tử. Saboia nói trên kênh truyền hình Globo: “Tôi chọn cuộc sống, tôi chọn bảo vệ một người, một chính khách bị chèn ép, như TT Dilma từng bị tra tấn”. Ý ông là nữ TT Dilma Rousseff từng bị giam và bị tra tấn thời độc tài quân sự nắm quyền ở Brazil. Saboia nói chỉ mỗi mình giúp Pinto và khi được hỏi có sợ bị kỷ luật hay không, ông nói: “Tôi chỉ sợ Chúa. Tôi nhận được sự ủng hộ của nhiều đồng nghiệp”.

Pinto hiện ở thủ đô Brasilia, nơi ông ta tươi cười chụp ảnh trước nhà của tay luật sư. Ngoại trưởng David Choquehuanca của Bolivia nói vụ giải cứu này cho thấy những thỏa thuận quốc gia và quốc tế bị vi phạm, đòi Brazil phải giải thích rõ cho Bolivia và cộng đồng biết. Nhưng một quan chức chính phủ Brazil nói trên kênh O Globo: Bolivia và Brazil đã thỏa thuận cho Pinto đến Brazil, nhưng không bảo đảm an toàn cho Pinto: “Sự nguy hiểm của chiến dịch này rất lớn. Hãy tưởng tượng điều gì xảy ra, nếu đoàn xe bị tấn công giữa đường, ông ta thoát hoặc bị bắt cóc”.

Dù vậy, Bolivia và Brazil vẫn ráng hạn chế tổn thất ngoại giao. Brazil lập một đoàn điều tra sự việc, chính phủ Bolivia nói vụ Pinto không làm ảnh hưởng mối quan hệ song phương dài hơi. Patriota mất chức ngoại trưởng nhưng được bà Roussef cử làm đại sứ tại Liên Hiệp Quốc, thay Luiz Alberto Figueiredo nhậm chức ngoại trưởng.