Dân Việt

Chái bếp nhà quê

Quê hương 06/02/2014 10:33 GMT+7
Mùa Xuân đã đến, nói một cách thú vị hơn, với tay lên là ta có thể nắm mùa xuân trong lòng tay rồi. Vậy mà giữa nhịp sống ồn ào của phố xá, tôi lại nhớ tuổi ấu thơ mình dưới quê.
Ở đó, mùa Xuân này thì rộn ràng lắm. Kể từ giáp Tết, tôi nhớ chỗ nấu cơm của gia đình, một chái bếp đã được chuẩn bị, làm nơi đặt mấy ông táo mẹ tôi tự làm bằng đất đặt nằm kề căn nhà gỗ mà cột của nó được dựng trên mấy viên đá to, vuông vuông ấy...

Chẳng lẽ mới đó mà đã xa lắc xa lơ rồi sao? Hơi lạnh của những cơn gió chướng cuối mùa, gió sẽ mang theo mùi hương phảng phất của những món bánh, mứt mẹ đã dạy tôi làm từ ngày bé, tất cả mọi công đoạn chuẩn bị thì sẵn sàng rồi, khi nướng bánh hoặc "sên" mứt thì đều diễn ra ở đó: Chái bếp nhà quê. Nhắc lại nghe sao mà thân thương đến chạnh lòng hở bạn?
img

Có thể, bạn được sinh ra và lớn lên quen hơi phố xá, thị thành; còn tôi, tôi được gối đầu lên những câu ca dao, dân ca qua giọng ru hời ngọt ngào của bà, của mẹ; tôi được hít thở và ngắm nhìn thỏa thích màu khói như sương len mỗi buổi chiều quê rơm rạ, chái bếp đó là tôi từng được ba "phân công" đứng hơ lửa cho nóng những thanh tre, trúc khi ba tôi vừa vót xong để đan lợp; là nơi thuở tôi điệu đàng tuổi 15, 16 đem gáo dừa khô đốt lên cho nóng và dùng đôi đũa sắt gắp vào chiếc bàn ủi có con gà một chân khóa chốt để ủi quần áo; là nơi mà tôi đã làm nhiệm vụ không có một ai thay thế được, đó là mỗi sáng sớm nấu một ấm nước sôi để ba tôi uống trà...

Rồi những ngày cuối cùng của năm cũ vội vàng lao nhanh trong vòng xoáy của thời gian gấp gáp, không biết bạn đang nghĩ gì? Còn tôi, tôi thèm cái cảm giác được tất tả cùng mẹ làm những món bánh mứt trong không gian nhỏ bé của chái bếp ở quê như thuở nào. Thậm chí, có khi vừa làm vừa thút thít vì mưa dầm củi không khô được, khói làm cay mắt quá. Mà bạn biết rồi đó, thời tiết thất thường như thế làm sao củi khô và bén lửa được? Viết làm sao cho nói hết nỗi nhớ thương đây?

Còn gì ở chái bếp nhà quê nữa không mà thương đến vậy? Còn nhiều thứ lắm, những món bánh mứt thì dễ hơn rồi, ví như nhớ là có thể chạy ào ra chợ mua ngay thôi, giá nào cũng có, món gì cũng có, thượng vàng hạ cám... Nhưng, ở chái bếp nhà quê đó, tôi đã làm một cuộc tiễn đưa, mấy năm nay rồi, nơi ấy không còn tiếng bà của tôi. Ký ức về bà không thể phai mờ trong tôi được, bởi ngày bé, khi thay răng sữa, bà đã cột sợi chỉ dài nối chiếc răng non sắp rụng của tôi với tay nắm của chiếc cối xay bột, chỉ cần nửa vòng quay thôi, chiếc răng đã rơi ra kèm theo một ít máu, nhưng lúc đó tôi đã cảm thấy rất thú vị, quên luôn cả đau.

Tất cả mọt thứ đã có trong chái bếp nhà quê cứ cựa quậy trong tôi rất nhiều cảm xúc. Ở nơi ám khói đó, lần về quê gần đây nhất của tôi, vẫn còn cái quạt mo cau mẹ luồn sâu trong vách lá để quạt lửa cho kịp bữa cơm chiều khi cha từ đồng muộn trở về.

Mà, cái tiết trời vội vội vàng vàng cuối năm, cận kề ngày Tết thế này nè, ở chái bếp nhà quê ngày xưa đó, mẹ tôi đã chuẩn bị sẵn một hũ dưa cải được làm bằng nước cơm vo trắng tinh dậy mùi chua thơm phưng phức, ngay chiều 29 thì mẹ tôi đã đặt cái lò bằng đất nung xuống nền nhà để kho nồi thịt kho tàu. Trước đó, đêm 28 mẹ và mấy chị em tôi đã thức gói xong bánh tét rồi, có lẽ phía bên ngoài chái bếp, nồi bánh đang được em trai tôi trở lửa cũng nên. Tất cả đều chuẩn bị sẵn để sáng 30 mẹ nấu mâm cơm cho cha đốt nhang khấn vái đón ông bà.

Tuổi thơ nghèo khó mà trong lành đã đi qua những năm tháng đầu đời tôi như thế đó. Vẹn nguyên của lần ký ức trở về nơi chái bếp nhà quê như tôi đã kể với bạn, từ cái cối xay bột đến cây mác vót của cha, từ bữa cơm rau đến thịt mỡ dưa hành ngày Tết của mẹ, tất cả đều có chung một nơi bắt đầu, nhưng tôi lại thích chữ nguồn cội hơn.

Vâng! Tất cả đều có chung nguồn cội : Cái chái bếp thương yêu đến chảy tràn nước mắt ấy là nơi nuôi nấng ấu thơ của anh trai, tôi và cả em tôi nữa... Ngay lúc này, ngày cuối năm, tôi thèm được mẹ quất mấy roi vào mông vì cái tội lì lợm. Mà, cha tôi cũng thiệt là kỳ, cây roi đó đó, lại vắt ở nuông vách trên cùng trong cái chái bếp nhà quê, vắt hơi cao một chút, như cái hồi nhỏ của tôi, không bao giờ với lên lấy được...