Nghe công ty sữa hơn nghe bác sĩTại An Giang, chỉ có 12,5% số trẻ được bú mẹ tới 2 tuổi, tỷ lệ cho bú 1 giờ sau sinh là 59,1%. Con số này được bác sĩ Huỳnh Thảo Trường - Phó Giám đốc Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản An Giang đưa ra ngày 25.7. Bên cạnh đó, tỷ lệ trẻ dưới 6 tháng bú bình còn khá cao.
Các bà mẹ đang được tư vấn nuôi con bằng sữa mẹ tại phòng tư vấn dinh dưỡng Mặt trời bé thơ.
Theo đánh giá của bác sĩ Phạm Thị Sơn - thành viên Ban chỉ đạo chương trình nuôi con bằng sữa mẹ tỉnh An Giang, tỷ lệ nuôi con bằng sữa mẹ gần đây giảm xuống nhanh chóng. Nguyên nhân chính là “cuộc chiến” không cân sức giữa truyền thông của chương trình và quảng cáo sữa trên báo, đài. Hiện một vài công ty sữa đang cho phát trên truyền hình các mẫu quảng cáo lách luật, chẳng hạn như đặt vấn đề với người tiêu dùng: “Nếu mẹ sinh mổ thì cho con bú sữa mẹ như thế nào?”.
Bác sĩ Sơn cho rằng lối tiếp thị này đang gây nhiễu thông tin với sản phụ và gia đình. “Thật ra, em bé chào đời bằng sinh mổ chỉ không thể bú sữa mẹ trong vòng một giờ đầu sau sinh thôi chứ không phải là không thể bú sữa mẹ cả về sau. Kiểu quảng cáo này khiến bà mẹ hiểu nhầm, không hiểu vì sao nó không bị tuýt còi” - bà Sơn nói.
Tại Tiền Giang, tình hình cũng tương tự. Năm 2010, chỉ có 4% số trẻ em được bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu đời, kém xa so với mức trung bình cả nước là 19,6%. Bác sĩ Trần Xuân Mai - Giám đốc Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản Tiền Giang còn cho biết một chiêu lách luật khác của các hãng sữa. Đó là chuyển sang quảng cáo mạnh các sản phẩm sữa dùng cho thai phụ, kèm theo thông điệp sau khi sinh con, các bà mẹ nên tiếp tục dùng các sản phẩm của họ cho cả bà mẹ và em bé.
Khi đến thăm mô hình phòng tư vấn dinh dưỡng Mặt trời bé thơ tại xã Mỹ Trung (huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang), chúng tôi được nghe Phó trạm y tế xã Lê Thị Dự chia sẻ: “Chúng tôi đã tư vấn và thuyết phục được người mẹ nuôi con bằng sữa mẹ rồi, nhưng ông bà nội ngoại ở nhà thấy tivi quảng cáo sữa, còn hàng xóm kế bên uống sữa bình con mập mạp, bụ bẫm hơn thì cũng muốn cháu mình bú sữa ngoài và gây sức ép lên bà mẹ”.
Trong khi đó, thông tin về nuôi con bằng sữa mẹ chỉ được phát trên đài phát thanh vì thiếu kinh phí. Và như vậy, thông tin tới các bà mẹ không được liên tục.
Dùng cả hai cho chắc?Đó cũng là quan niệm khá phổ biến dẫn tới trẻ không được bú sữa mẹ. Theo bác sĩ Trần Thị Thu Vân (Khoa Sản Bệnh viện Đa khoa trung tâm An Giang), bên cạnh quảng cáo, tiếp thị sữa làm bác sĩ, điều dưỡng khoa sản bị áp lực lớn do quá khó khăn trong thuyết phục thai phụ, bà mẹ không cho trẻ uống giặm sữa ngoài, uống nước sau sinh và cho con bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng... thì có một khó khăn nữa là tâm lý “cho nó bú cả hai cho chắc ăn”. Xuất phát từ thông tin cho rằng từ tháng thứ 3 trở đi là chất lượng sữa mẹ giảm nên nhiều người vẫn muốn con mình uống giặm thêm sữa ngoài.
Luật Quảng cáo đã có hiệu lực từ 1.1.2013, quy định rõ: Sản phẩm sữa thay thế sữa mẹ dùng cho trẻ dưới 24 tháng tuổi, sản phẩm dinh dưỡng bổ sung dùng cho trẻ dưới 6 tháng tuổi, bình bú và vú ngậm nhân tạo... thuộc danh mục “sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ cấm quảng cáo”.
|
Bác sĩ Vân cho rằng quan điểm như trên hoàn toàn không đúng và cách xử
trí cho dùng cả hai cũng không ổn. Bởi khi trẻ được cho bú thêm sữa
bình, nguy cơ trẻ bỏ dần sữa mẹ là rất lớn. Mà cơ chế tạo sữa của người
mẹ là cần phải có tác động bú thường xuyên của em bé thì sữa mới tiếp
tục dồi dào.
Theo bác sĩ Vân, tỷ lệ “bú cả hai” bây giờ khá phổ biến và nhân viên y tế đã gặp khó khăn lớn trong việc thuyết phục. Điều này rất nguy hiểm bởi thực tế ở An Giang cho thấy là tỷ lệ trẻ bỏ bú mẹ là rất lớn. Vì vậy, cần có truyền thông nhằm thay đổi nhận thức bà mẹ, nuôi con bằng sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu và kéo dài tới 24 tháng.