Dân Việt

Nghi án tham nhũng: “Ăn” cả tàu ngầm

Thủ tướng Najib Razak của Malaysia hiện vẫn đối mặt với cuộc điều tra của Pháp về vụ Tập đoàn Vũ khí DCNS của Pháp “chi tiền lại quả” để hải quân Malaysia mua hai chiếc tàu ngầm Scorpene hồi tháng 6-2002, khi đó Thủ tướng Najib còn là Bộ trưởng Quốc phòng Malaysia.
Hồi tháng 4, chính quyền Pháp và Hong Kong (HK) bắt tay điều tra vụ tham nhũng của Công ty Terasasi (trụ sở ở HK) vốn dính líu vào vụ mua hai chiếc tàu ngầm có giá 2 tỷ USD, với nghi án một khoản tiền đã được DCNS chi “lại quả”cho các quan chức cấp cao Malaysia. Terasasi có giám đốc là doanh nhân Abdul Razak Baginda cùng cha là Abdul Malim Baginda.

Tàu ngầm Scorpene được chuyển giao cho hải quân Malaysia
Tàu ngầm Scorpene được chuyển giao cho hải quân Malaysia

Tài liệu phản quốc?

Baginda “con” mê xe thể thao Ferrari còn là cố vấn của Thủ tướng Najib. Vợ Baginda cũng thân thiết với vợ ông Najib. Tổ chức nhân quyền SUARAM quyết tâm làm rõ vụ việc nên đã nộp đơn kiện tới Tòa án Pháp hồi năm 2012. Luật sư Joseph Breham - người Pháp - của SUARAM đã tiết lộ có một tài liệu mật của Hải quân hoàng gia Malaysia (RMN) - đánh giá kiểu tàu ngầm Scorpene - đã được Terasasi bán cho DCNS với giá 142 triệu RM. Theo SUARAM, Tòa án Pháp sẽ sớm công bố danh sách những người nhận “lại quả” của Terasasi, và SUARAM cũng cho biết: “vụ này không chỉ gồm lại quả, hối lộ, mà còn dính líu chuyện rửa tiền”.
Baginda bị bắt, sau đó được xử trắng án
Baginda bị bắt, sau đó được xử trắng án

Hồi tháng 6-2012, báo mạng Asia Sentinel gây xôn xao ở Malaysia, khi đăng tải 133 tập tài liệu dài hàng trăm trang, tố cáo các hành vi tham nhũng của Bộ Quốc phòng nước này khi mua hai chiếc tàu ngầm: từ năm 1991, khi làm Bộ trưởng Quốc phòng, ông Najib đã mở chiến dịch tăng cường quân sự, đổ tiền mua xe tăng, máy bay chiến đấu Sukhoi của Nga, tàu tuần tra bờ biển, tàu ngầm…

Một cuộc chạy đua dữ dội đã nổ ra giữa các nhà sản xuất Pháp, Đức, Thụy Điển, Nga và Hà Lan. Năm 1995, vì “công ty con” Thales International bị thất thế trước Kockums AB (Đức) nên DCNS quyết định “phản công” bằng việc vung tiền ra “chung chi”. Một tài liệu cho biết ngày 1-10-1996, đại diện DCNS đã ký thỏa thuận với một thiếu tá quân đội Malaysia là Abdul Rahim Saad, để “đưa DCNS trở lại danh sách các nhà thầu sau khi đã bị chính quyền Malaysia loại bỏ”. Để trả lễ, phía DCNS đã chi 100.000 USD “phí tư vấn”. Sau đó DCNS chuyển sang “nhờ cậy” Baginda làm trung gian” giữa DCNS và Bộ quốc phòng Malaysia, và rồi DCNS thắng thầu.

Theo Asia Sentinel, Thales International đã mua tài liệu mật của RMN với giá 36 triệu euro (44,9 triệu USD) và họ chuyển số tiền này vào tài khoản ngân hàng của Terasasi. Một tài liệu viết: “Khoản hoa hồng hoàn toàn phù hợp với các quy định của DCNS cũng như của công ty con Thales”. Trên thực tế, đây là hành vi vi phạm công ước chống tham nhũng của Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) mà Pháp đã phê chuẩn vào tháng 6.2000.

Cảnh sát Pháp tịch thu được các tài liệu này khi khám xét văn phòng DCNS tại Paris hồi tháng 4.2010. Asia Sentinel kết luận: “Ở Malaysia, Đảng Tổ chức đoàn kết quốc gia Malay (UMNO) là đối tượng được hưởng lợi lớn nhất” và giải thích một báo cáo của DCNS có trong tập tài liệu, nêu điều kiện tiên quyết để ký hợp đồng bán vũ khí cho Malaysia là “phải chuyển tiền cho một số cá nhân và tổ chức”.

Trong một tài liệu khác, một quan chức DCNS thẳng thừng khẳng định Perimekar, với danh nghĩa là hãng du lịch, được lập để “làm giàu một cách bất minh” cho các cổ đông, là địa chỉ để DCNS chuyển khoản tiền “lại quả”. Nhưng ngày 27.6.2012, Bộ trưởng Quốc phòng Malaysia Zahid Hamidi phủ nhận mọi cáo buộc. Tuy nhiên, các nghị sĩ đối lập yêu cầu ông Hamidi phải lập tức điều tra toàn diện nghi án này và công khai kết quả điều tra. Báo Malaysia Chronicle dẫn lời một số nghị sĩ đối lập mô tả việc cung cấp tài liệu quân sự bí mật cho nuớc ngoài là hành động phản quốc.

Giết người tình để diệt khẩu?

Đến ngày 29.4.2013 qua, RMN tuyên bố sẽ không ngại kiện những ai đả động đến vụ tàu ngầm Scorpene, nhất là trong cuộc vận động bầu cử (tổ chức hồi tháng 5 qua, đảng của Thủ tướng Najib giành chiến thắng và đã tuyên thệ nhậm chức). Tư lệnh RMN là Abdul Aziz Jaafar nói ông được báo cáo nhiều ứng cử viên đối lập tiếp tục rêu rao rằng hai chiếc Scorpene không thể hoạt động. Ông khẳng định hai chiếc này - có tên KD Tunku Abdul Rahman và KD Tun Abdul Razak - vẫn trong điều kiện tốt nhất, có thể đạt tới độ sâu tối đa và phóng tên lửa từ đáy biển trúng mục tiêu cách xa 55km.
Thủ tướng Najib Razak
Thủ tướng Najib Razak

Scorpene là tàu ngầm tấn công chạy bằng dầu diesel, được báo Giải phóng của Pháp cho là vẫn chuyển giao cho RMN dù có vài trục trặc kỹ thuật. Nhưng đó chỉ là “chuyện nhỏ”, vì thương vụ tàu ngầm này còn dẫn đến cái chết bi thảm của cô người mẫu phiên dịch Mông Cổ Altantuya Shaariibuu 28 tuổi.

Cô mất tích và sau đó cảnh sát phát hiện xác cô trong một cánh rừng gần thủ đô Kuala Lumpur, cô bị bắn chết và thi thể bị phá hủy bởi thuốc nổ C4 ở một khu vực hoang vắng. Điều tra của cảnh sát phát hiện hai cảnh sát đặc nhiệm Malaysia - là vệ sĩ của ông Najib - đã bắt cóc và sát hại Altantuyaa. Họ khai đã lôi Shaariibuu khỏi xe, đánh cô bất tỉnh và bắn hai phát đạn vào đầu cô ngày 19.10.2006.

Tại tòa, họ khai cô đã xin tha mạng để bào thai trong bụng của cô được sống. Nhưng họ vẫn ra tay, cài thuốc nổ của quân đội vào xác cô để bảo đảm bào thai bị phá hủy, “đem theo” cả thông tin DNA về bằng chứng ai là cha của đứa bé. Để bảo đảm bí mật, họ hủy cả thông tin cô nhập cảnh vào Malaysia …

Shaariibuu biết nhiều thứ tiếng, là người phiên dịch cho Baginda khi ông này bay sang Paris thương lượng với DCNS trong giai đoạn cuối của vụ mua tàu ngầm. Shaariibuu trở thành tình nhân của Baginda sau khi họ quen nhau ở HK. Lúc đó người đẹp đã có chồng là một ca sĩ nổi tiếng và là con trai một nhà tạo mẫu thời trang có tên tuổi ở Mông Cổ.

Theo báo Giải phóng (Pháp), DCNS còn chi “hoa hồng” 160 triệu USD của thương vụ bán tàu ngầm này cho một công ty có tên Perimekar, cũng thuộc quyền sở hữu của Baginda. Chính Baginda ra lệnh giết Shaariibuu vì cô đòi hưởng phần “lại quả” 500.000 euro để “mua” sự im lặng của cô. Vụ bắt cóc Shaariibuu được thực hiện ngay trước cửa nhà Baginda, ngay trước mắt một nhân chứng là người tài xế taxi đang đợi cô. Anh ta ghi lại biển số xe của nhóm bắt cóc, rồi báo cảnh sát, nơi khẳng định đó là xe của chính phủ.

Năm 2009, hai vệ sĩ của ông Najib bị buộc tội giết người nhưng họ nói họ chỉ là “dê tế thần” và đang kháng nghị án tử hình. Trong đơn xin hồi tháng 2.2009, Sirui Azhar Umar tự mô tả là “một con cừu đen bị hiến tế” để bảo vệ một người được giấu tên: “Tôi chẳng có lý do gì gây hại cho nạn nhân một cách tàn nhẫn đến thế. Tôi xin tòa vốn có quyền quyết định sự sống hay cái chết, đừng lên án tôi để làm theo kế hoạch của những người khác”. Baginda cũng bị điều tra về tội chủ mưu giết người, nhưng được một quan tòa xử trắng án hồi năm 2008, ngay trước khi xem xét các chứng cứ.

Ngủ với người mẫu?

Một trong các tố cáo khác - của doanh nhân làm thảm Deepak - là Thủ tướng Najib từng quan hệ tình dục với người mẫu Shaariibuu. Cựu thám tử tư Perumal Balasubramaniam (còn có tên là Bala) vào năm 2008 đã tuyên bố rằng cô người mẫu Shaariibuu đã quan hệ tình dục với ông Najib, và ông đã cùng vợ Rosmah Mansor quyết định khử Shaariibuu, do cô đòi hưởng “hoa hồng” vì đã tham gia vụ mua tàu ngầm.

Nhưng một ngày sau tuyên bố này, Bala rút lại với lý do gia đình ông bị dọa giết, và ông được “người ta” cho tiền để rời khỏi Malaysia. Hồi đầu năm 2013, Bala trở về Malaysia sau thời gian lưu vong ở Ấn Độ. Ông muốn trở về để tố giác và nói hết sự thật cũng như để chống lại liên minh cầm quyền Barisan Nasional của Thủ tướng Najib. Nhưng đến tháng 3 thì ông chết sau một cơn "đau tim" đáng ngờ.

Ông Najib đã thề trên sách kinh Coran (đạo Hồi) rằng ông chưa bao giờ gặp Shaariibuu, nói đó là “lời nói dối khủng khiếp”. Ông nói các cáo buộc này nhằm phá sự nghiệp chính trị của ông - người lên ngôi quyền lực ở Malaysia từ ngày 3.4.2009 - và chính phủ chẳng có sai phạm nào trong việc mua 2 chiếc tàu ngầm. Thủ tướng Najib (là con trai của thủ tướng thứ hai của Malaysia) không ngán vụ vệ sĩ của ông bị truy tố, và công khai phớt lờ cuộc điều tra của Pháp cũng như các cáo buộc của Deepak.

Cũng trong tháng 3.2013, luật sư Olivier Metzner người Pháp được tìm thấy chết trôi trên vùng biển gần nhà ông. Đây là một vị thầy cãi nổi tiếng, từng bào chữa cho tướng độc tài Manuel Noriega của Nicaragua, cựu Thủ tướng Pháp Dominique de Villepin (trắng án khi bị buộc tội bôi nhọ đối thủ chính trị là cựu Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy). Ông cũng nhận làm luật sư cho DCNS theo đơn kiện của SUARAM.