Với ông, khúc sông này là người bạn đồng hành mãi từ thời trai trẻ...
35 năm lái đò Là một trong vài bến đò ngang qua dòng sông Hồng nối 2 vựa lúa Thái Bình-Nam Định, bến đò xã Vũ Tiến (Vũ Thư) là điểm quan trọng trung chuyển lượng hành khách chủ yếu giữa 2 tỉnh, kênh giao thông huyết mạch phục vụ nhu cầu dân sinh cũng như se duyên vợ chồng cho hàng trăm cặp nam nữ sống 2 bên bờ.
Những năm đầu thập kỷ 60 thế kỷ trước, dòng sông Hồng luôn cuộn đỏ ngầu như tên gọi của nó bởi chưa có đập thủy điện ngăn lũ. Mùa lũ, khu vực hạ lưu sông luôn hứng chịu những trận vỡ đê, ngập lụt xảy ra hàng năm. Vì vậy, những người lái đò ngang qua sông phải là người có sức khỏe hơn người, dạn dày sông nước, gan dạ, dũng cảm. Chính quyền xã Vũ Tiến (huyện Vũ Thư) đã tuyển chọn những trai làng khỏe mạnh nhất, bơi giỏi để làm công việc không phải ai cũng dám này. Khi đó, người thanh niên Trần Văn Đễ (anh ruột ông Trần Thế Nguyễn) là một trong những thanh niên được lựa chọn. Anh Đễ cùng với một vài người khác đã thay nhau làm công việc này trước khi lên đường vào chiến trường miền Nam chiến đấu, rồi anh dũng hy sinh năm 1966, khi tròn 18 tuổi. Cha anh lại thay con lái đò đưa khách, bởi hầu hết thanh niên trai tráng của vùng đất kiên cường này đã lên đường đánh giặc. Nhưng rồi sau những năm tháng dãi dầu mưa gió, sóng nước, sức khỏe không cho phép ông luôn vững tay chèo. Ông lại gọi người con trai kế là anh Trần Thế Nguyễn thay thế, tiếp nối truyền thống gia đình, không để tiếng gọi đò giữa 2 bờ đứt quãng.
Người lái đò kỳ cựu Trần Thế Nguyễn đang điều khiển đò máy đưa khách qua sông.
Khi đó là năm 1978, ông Nguyễn đã có 12 năm làm văn thư, bảo vệ tại UBND xã. Thể hình ông không cao lớn, nhưng chắc nịch, và như bao chàng trai của các làng ven sông, ông cũng có biệt tài lặn ngụp, bơi lội như rái cá. “Dòng sông Hồng phía hạ lưu về mùa lũ thì việc lái đò không hề đơn giản. Đoạn sông này cong hình cánh cung, phía bên huyện Nam Trực (Nam Định) là bên bồi, bên Vũ Tiến là bên lở, do vậy dưới lòng sông có rất nhiều vũng xoáy ngầm, mùa lũ tạo nên những vũng xoáy sâu hàng chục mét” - ông Nguyễn tâm sự. Nhớ lại những ngày đầu, ông trầm ngâm: “Nguy hiểm là vậy nhưng vẫn phải làm, bởi một phần mình là cư dân ở đây, thông thuộc luồng lạch, phần nữa là đi làm để đổi công điểm. Thời đó chỉ có 2 xu/người qua đò thôi, tiền mang về xã nộp để đổi công, cuối vụ lấy thóc chứ đâu khoán như bây giờ”.
Bản lĩnh tay chèo và nguyên tắc tâm linhTheo ông Nguyễn, những con đò của thời khó khăn đó được đóng bằng gỗ tốt, nhưng khả năng chuyên chở ít, khoảng 10-12 người là tối đa, và đương nhiên hoạt động dựa vào sức người với phương pháp từ ngàn xưa để lại: Kéo vai và chèo tay. Các lái đò đều dựa trên kinh nghiệm của tiền bối hoặc tự đúc rút cho mình để tính ngày con nước, giờ nước dâng mà đưa ra những phương án tối ưu nhất cho việc chèo thuyền hoặc nhìn hướng gió dựa trên sóng mặt sông để giương buồm, tận dụng sức gió thay sức người. Khi lũ đổ về hoặc dông gió mạnh bất thường thì chuyện điều khiển một con đò mong manh giữa dòng nước xiết chỉ dành cho những tay chèo kinh nghiệm và đầy bản lĩnh. “Mùa lũ, muốn sang sông thì cả hai bên bờ phải có một người chèo và một người luồn lau sậy ven bờ kéo thuyền bằng dây chão cỡ cổ tay, đi ngược dòng nước có khi cách điểm xuất phát cả cây số, sau đó một người chèo, một người lái sao cho thuyền trôi theo dòng nước lũ cuồn cuộn để khéo léo cập bờ bên kia. Có khi nước lũ cuốn thuyền trôi xuôi một đoạn dài, cập được vào bờ rồi, lại phải kéo ngược thuyền vào bến cho khách lên bờ. Quan trọng nhất là phải biết xếp người ngồi cho cân bằng. Xe đạp, hàng hóa xếp ngay ngắn ở giữa, hai bên là người ngồi, như thế người lái dễ xử lý cho thuyền thăng bằng. Thời khó khăn đó, áo phao cứu hộ thì không có, sinh mạng hành khách phụ thuộc hoàn toàn vào lái đò. Nghề này làm cả tết, không có ngày nghỉ, bạn thân nhất là dòng sông và chiếc đài...” - ông Nguyễn cười nhớ lại.
"Tôi đã quá tuổi nghỉ rồi, nhưng ngày nào không gặp được bà con đi đò, không thấy khúc sông là người cứ bần thần thế nào ấy. Con đò cũng như một đài phát thanh nhỏ, trong xóm có thông tin gì là bà con đi chợ thông báo, chuyện trò bàn luận. Bây giờ có đổi ca, nhưng nghỉ lái một ngày cứ thấy nhớ nhớ, lại mò ra với đò, với sông". Ông Trần Thế Nguyễn
|
Nhắc đến những kỷ niệm khó quên trong suốt thời gian dài chèo thuyền đưa khách qua sông, ông vẫn rùng mình khi nhắc lại việc cứu người khách ngã xuống giữa dòng vào năm 1980. Mùa lũ năm đó nước khá to. Hôm ấy, khi đò ra giữa dòng, ông kéo buồm, bất ngờ dây neo tuột tay, gió mạnh xoay tròn cánh buồm, hất văng một khách nữ ngồi bên mạn phải thuyền xuống sông. Mọi người hét lên nhốn nháo, con thuyền tròng trành nguy hiểm. Ông vội ôm dây neo buồm lao thẳng xuống dòng nước lũ, túm được tóc của cô gái rồi hết sức bơi bám vào mạn thuyền, được mọi người hỗ trợ kéo lên. Sau lần đó ông bị ám ảnh mãi, bởi chỉ một sơ suất nhỏ của ông chút nữa đã đưa một người gặp Hà Bá. Với ông, chuyện khó khăn nhất là lái đò làm sao để tránh những cây gỗ to có khi một vòng ôm, hay xác trâu bò chết đang trôi vùn vụt trên sông mùa lũ, để những thứ đó xô vào thì chỉ có nước lật thuyền.
Nhưng ám ảnh nhất vẫn là những lần vớt xác người chết trôi đưa lên bờ để chôn cất, bởi nguyên tắc bất di bất dịch của dân sông nước là thấy người ngã nước phải cứu, thấy xác chết trôi phải vớt. “Có lần giữa đêm, tôi và một anh nữa đang cuộn tròn trong cái lều bé xíu của con đò nằm ngủ. Trời tối như mực, sông nước yên ắng bỗng như có ai đẩy đi đẩy lại con đò, ra rọi đèn thì thấy một xác người chết trôi mắc vào mũi thuyền. Thế là đang đêm, 2 anh em phải lội xuống đưa xác người ta lên bờ để sáng hôm sau chính quyền làm thủ tục chôn cất. Mà cũng lạ lắm, xác người chết trôi nổi lên ở đâu không phải ai cũng vớt được. Có xác chết mắc vào cửa cống, mãi không vớt ra được, cho đến khi một cụ già trong xóm đi ra, thắp hương khấn vái, rải tiền, rồi nhẹ nhàng “mời”, xác chết tự dưng nhẹ nhàng trôi ra, lúc đó mới vớt được mang đi chôn. Dọc bên bờ này có hẳn một khu chôn cất xác chết trôi, hầu hết là vô chủ, nhưng cũng có lần người thân ở tận Hòa Bình về tìm mộ... Việc vớt xác là nguyên tắc muôn đời của nghề sông nước rồi”- ông Nguyễn tâm sự.
Từ năm 2006, chính quyền địa phương 2 bên bờ sống đã tạo điều kiện cho ông Nguyễn và một số cá nhân góp vốn đóng một đò máy có công suất 35CV, sức chở khoảng 18-20 người, được trang bị áo phao đầy đủ. Đò máy nên tần suất đưa người sang sông cao hơn... Nhưng, trong ký ức của những người đã 35 năm qua lại ngày ngày trên khúc sông này, cánh buồm vải thâm của cha con ông Nguyễn luôn vẫn thân thiết và đầy quý mến...